Phụ nữ Bắc Giang phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi gà thả vườn

28/07/2020
Trước năm 2018, nhiều gia đình hội viên phụ nữ xã Quế Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vẫn quen với tập tục chăn nuôi gà theo kiểu truyền thống nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi TW Hội LHPN Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo Hội LHPN tỉnh Bắc Giang thành lập tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi gà thả vườn Quế Sơn đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nơi đây.
Mô hình nuôi gà thả vườn của thành viên tổ liên kết xã Quế Sơn

“Vạn sự khởi đầu nan”

Mô hình được thành lập từ tháng 8/2018 với 15 thành viên tham gia, trong đó có 8 chị là người Dân tộc thiểu số (11 hộ nghèo, cận nghèo, 4 hộ mới thoát nghèo). Từ nguồn hỗ trợ không lãi suất trong thời gian 3 năm của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và vốn đối ứng của thành viên đã đầu tư mỗi hộ 500 con gà giống, làm chuồng, mua thức ăn...

Tuy nhiên, với cách thức thực hiện “hỗ trợ có điều kiện”, số gà giống, mua thức ăn được hỗ trợ vay không thu lãi suất trong thời gian 03 năm và thu hồi 6 tháng/lần để luân chuyển cho các thành viên nghèo, khó khăn khác chưa tham gia mô hình trên địa bàn thì một số hộ nghèo không muốn tham gia. Bên cạnh đó, chị em đã quen với cách sản xuất truyền thống, mạnh ai nấy làm, vì vậy khi tham gia vào tổ liên kết vẫn còn e ngại. Nhưng nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương xã Quế Sơn và Hội LHPN các cấp đã tuyên truyền, vận động chị em hiểu được ý nghĩa của Chương trình, cũng như quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia mô hình, các chị em đã tự nguyện và mạnh dạn tham gia vào tổ.

Một khó khăn nữa khi thành lập, Ban quản lý tổ và các thành viên chưa còn thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trong duy trì, triển khai các hoạt động của tổ, kỹ năng điều hành hoạt động, giới thiệu và bán sản phẩm...

Để hỗ trợ chị em, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã mời giảng viên chuyên môn từ Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Sơn Động đến trao đổi, hướng dẫn các kiến thức liên quan đến kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà; đồng thời Hội LHPN tỉnh cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn chị em kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, kinh tế tập thể, về lập kế hoạch sản xuất, thương thuyết ký kết hợp đồng, giới thiệu và bán sản phẩm ra thị trường...

Những hoạt động quyết liệt, kịp thời đó đã giúp chị em giải quyết được những khó khăn bước đầu, phấn khởi và tự tin tham gia vào mô hình, bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng mừng.

Liên kết để thành công

Được trang bị kiến thức, kỹ năng, các thành viên trong tổ xây dựng quy chế hoạt động, cùng mua chung gà giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để đảm bảo chất lượng và giá cả tốt hơn so với khi mua riêng lẻ. Các thành viên thống nhất lựa chọn gà giống theo từng lứa, nhà cung cấp và giá mua, sau đó mỗi thành viên đăng ký số lượng và nộp tiền giống cho ban quản lý tổ. Ban quản lý thay mặt tổ ký hợp đồng với lò ấp giống và tổ chức giao nhận gà giống tại xã. Bên cạnh đó, Tổ cũng thống nhất bầu tổ trưởng là người đứng ra để liên kết với công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y làm đại lý cấp I chuyên cung cấp thức ăn, thuốc thú y cho các thành viên tham gia mô hình.

Trong quá trình chăn nuôi, các thành viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ phòng nông nghiệp huyện, thú y hướng dẫn; thống nhất và tuyệt đối làm đúng quy trình chăn nuôi, thời gian xuất chuồng và giá bán chung của tổ để hạn chế việc bị thương lái, các nhà bao tiêu ép giá. Do đó, việc chăm sóc đàn gà ngày càng tốt hơn, đàn gà phát triển tốt. Đến nay, mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả, đầu ra ổn định mang lại thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng/lứa /thành viên (2 lứa/năm).

Từ thành công đó, nhiều hộ đã mở rộng quy mô lên đến 1.000 con/hộ. Số thành viên tham gia mô hình đã lên 27 (tăng 12 thành viên so với  khi thành lập), đã có 01 hộ thoát nghèo và 01 hộ thoát cận nghèo.

Mạnh Diệp, Ban Kinh tế TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video