Phụ nữ Bắc Ninh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Đề án 343

16/11/2015
Đề án tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các cấp Hội Phụ nữ về rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước” (Đề án 343) đi vào cuộc sống, vừa giáo dục đạo đức truyền thống, vừa định hướng giá trị đạo đức mới xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong phát triển bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần cùng các ngành chức năng triển khai có hiệu quả Đề án giai đoạn 2010-2015, các cấp Hội tổ chức 458 lớp tập huấn, tuyên truyền tại cơ sở cho 39.469 lượt cán bộ, 187.418 lượt hội viên (đạt 100%) về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Đề án để mọi người gìn giữ, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam xưa và xây dựng các phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang cần có của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

Các lớp tập huấn đều dành thời gian để học viên tổ chức thảo luận các nội dung của Đề án, đề xuất cách hướng dẫn hội viên phụ nữ rèn luyện tu dưỡng để có được 4 phẩm chất đạo đức mới phù hợp với thực tế địa phương. 152 đồng chí làm công tác tuyên truyền, truyền thông tại cộng đồng là lực lượng nòng cốt trong tổ chức, triển khai hướng dẫn thực hiện các nội dung của đề án. Căn cứ vào nội dung của từng buổi tuyên truyền, các báo cáo viên chủ động xây dựng tài liệu tuyên truyền với từng chủ đề cụ thể để hội viên nắm và thực hiện cũng như đưa ra hướng rèn luyện, phấn đấu thực hiện có hiệu quả.

Hội LHPN tỉnh chủ động biên soạn 10.000 tờ rơi với chủ đề “Phụ nữ Bắc Ninh Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”, chuyển tải 540 cuốn tài liệu “Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng về vấn đề đạo đức và giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ”; tuyên truyền gương tập thể điển hình, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong thực hiện đề án trên cuốn Bản tin phụ nữ Bắc Ninh; tổ chức cuộc thi viết “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang” thu hút hơn một nghìn lượt cán bộ, hội viên tham gia.

Ngoài ra, các huyện, thị, thành Hội, Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh chủ động triển khai Đề án 343 bằng hình thức sân khấu hóa: tổ chức 73 Hội thi Hát ru và hát dân ca, 54 buổi giao lưu ca ngợi quê hương, đất nước, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Hàng năm, nhân ngày Gia đình Việt Nam; ngày thế giới hạnh phúc, Hội LHPN các cấp phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và du lịch, ngành văn hóa cùng cấp tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: triển lãm ảnh “Là đàn ông”, phát sóng bộ phim “Phá vỡ im lặng”, đêm giao lưu văn nghệ “Bạo lực hủy hoại yêu thương, sẻ chia khơi nguồn hạnh phúc”; Lễ mít tinh “Chung tay hành động vì bé gái của chúng ta”, “Liên hoan truyền thông bằng hình thức nghệ thuật về mất cân bằng giới tính khi sinh”; hội thi “Người cha trách nhiệm”, “Ngày hội Gia đình hạnh phúc”. Đây là sân chơi bổ ích để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên…

Có thể thấy công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ với nhiều hình thức đa dạng tạo được sự chuyển biến khá tích cực trong nhận thức và hành vi của phụ nữ và người dân. Với phẩm chất Tự tin, chị em mạnh dạn hơn trong giao tiếp, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tự lực, tự chủ và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Đối với phẩm chất Tự trọng, nhiều chị em mạnh dạn trong đấu tranh chống lại các hành động sai trái, tiêu cực, vi phạm pháp luật…

Từ những việc làm nhỏ nhất như đổ rác đúng nơi quy định, chấp hành nghiêm luật lệ giao thông đến đi họp, làm việc đúng giờ đều thấy những chuyển biến rõ rệt. Với phẩm chất Trung hậu, chị em giữ gìn sự thủy chung trong các mối quan hệ, đa số phụ nữ biết sống vì mọi người, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người khác, tham gia các hoạt động từ thiện… Với phẩm chất Đảm đang, các chị em biết chia sẻ, phân công công việc phù hợp cho các thành viên trong gia đình, biết chi tiêu hợp lý, có kế hoạch, phù hợp kinh tế gia đình. Các chị em cũng biết cách sắp xếp thời gian làm việc, học tập để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.

Đề án đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp phụ nữ và người dân về sự cần thiết của việc rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước; tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Thực hiện Đề án là cách làm thiết thực mà Hội LHPN tỉnh học tập và làm theo gương Bác góp phần xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và xây dựng người phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

baobacninh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video