Phụ nữ Bình Thuận: Phát huy phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam

16/11/2015
Qua 5 năm (2011 – 2015), triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt là Đề án 343), đã góp phần tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và thay đổi hành vi của chị em phụ nữ trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Đa dạng các hình thức

Thực hiện Đề án 343 giai đoạn 2011 – 2015, đến nay toàn tỉnh có 81,7% phụ nữ và 96,6% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Với nội dung tuyên truyền 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất lựa chọn để triển khai học tập và rèn luyện trong các tầng lớp phụ nữ. Ban chỉ đạo Đề án 343 các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện tuyên truyền các nội dung của đề án với nhiều hình thức phong phú, đa dạng gắn “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.... Theo đó, Ban chỉ đạo Đề án 343 tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đặc biệt chú trọng tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, phối hợp tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.

Một trong những hình thức tuyên truyền thiết thực mang lại kết quả cao, đó là tổ chức liên hoan hát ru và hát dân ca với chủ đề “Thực trạng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát ru, hát dân ca trong cộng đồng dân cư” từ cơ sở đến tỉnh, đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ. Qua đó, đã khơi dậy phong trào hát ru, hát dân ca trong thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh biên soạn tài liệu, ghi âm nội dung tuyên truyền đề án bằng đĩa CD phát hành đến 127 xã, phường, thị trấn, chú trọng các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc… Cùng với đó, các ngành đã chuyển tải nội dung tuyên tuyền của đề án đến các tầng lớp phụ nữ bằng các hình thức sân khấu hóa. Điển hình như Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các hội thi “Nấu ăn giỏi”, “Tài năng nữ cán bộ giáo viên, nhân viên”; “Phụ nữ tài năng duyên dáng”; “Đẹp mãi tuổi 40” trong  nữ công nhân viên chức lao động toàn ngành... Sở Giáo dục & Đào tạo thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài phát thanh - Truyền hình Bình Thuận xây dựng chuyên mục “Mái ấm gia đình”. Đoàn thanh niên xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam trong thời đại mới “Tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn”… 

Xây dựng các mô hình

Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh còn quan tâm chỉ đạo, triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, đã chú trọng xây dựng các mô hình ở những vùng đặc thù, vùng trọng điểm để hướng dẫn cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Qua đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam” tại 10 xã, phường, thị trấn trong tỉnh với 500 tuyên truyền viên. Thông qua các hình thức tuyên truyền như tập huấn, tọa đàm, gắn pano, tài liệu tờ rơi, sân khấu hóa…để chuyển tải các nội dung đề án tới đông đảo hội viên phụ nữ. Đến nay, Hội Phụ nữ các cấp đã nhân rộng được 105 tổ “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam” với 2.106 thành viên. Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, qua triển khai mô hình “Tổ phụ nữ tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam” đã giúp chị em xóa bỏ dần thói quen mặc cảm, tự ti trong cuộc sống, đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương. Điển hình như “Tổ phụ nữ tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam” tại phường Bình Tân, thị xã La Gi đã góp phầm giảm đáng kể tình trạng lấy chồng nước ngoài, đặc biệt các chị đã thành lập các tổ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vận động các gia đình có con em bỏ học giữa chừng ra lớp. Còn tổ phụ nữ ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) xây dựng các giải pháp tuyên truyền vận động phụ nữ xả rác thải, nước thải đúng nơi quy định không gây ô nhiễm môi trường…

baobinhthuan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video