Phụ nữ Châu Đức giúp nhau vượt khó, làm giàu

27/09/2011
Với nhiều cách làm thiết thực, thời gian qua phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ở huyện Châu Đức đã mang lại nhiều hiệu quả.

Châu Đức có hơn 70% dân số sống bằng nghề nông, trong đó, tỷ lệ lao động nữ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 80%. Trong 5 năm qua (2006-2011), phụ nữ các cấp hội đã năng động tìm nhiều hình thức giúp nhau vượt khó, làm giàu.

Hằng năm, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện thường xuyên khảo sát, nắm hoàn cảnh của các hội viên nghèo để có biện pháp giúp đỡ cụ thể và kịp thời. Hội cũng tích cực tổ chức tập huấn các mô hình sản xuất-kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình hội viên, đồng thời đẩy mạnh hoạt động cho vay vốn ưu đãi và giúp hội viên phát triển các nghề mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Lê Thị Ngọc Diệu, ở ấp Sông Xoài 5 (xã Láng Lớn) là một trong những phụ nữ làm ăn hiệu quả nhờ được tham gia tập huấn kiến thức sản xuất, được vay vốn ưu đãi từ hội phụ nữ xã. Chị Diệu cho biết, trước kia, gia đình chị trồng tiêu, trồng cà phê nhưng thất bại hoàn toàn vì dịch bệnh. Cuối năm 2007, nhờ được giúp đỡ về vốn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi và được chị em trong tổ, hội phụ nữ xã động viên, gia đình chị Diệu mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá sấu. Lứa đầu tiên chị nuôi 40 con (mỗi con 1 triệu đồng). Sau 18 tháng, gia đình chị bán lứa cá sấu đầu tiên với số tiền 2 triệu đồng/1 con, tổng cộng chị lãi được 20 triệu đồng. Thấy mô hình nuôi cá sấu có hiệu quả, gia đình chị mạnh dạn mua nuôi lứa thứ 2 với 250 con… “Tôi thấy, nuôi cá sấu không vất vả lắm mà lợi nhuận lại cao. Hiện nay, đàn cá sấu lớn nhanh và cho thu nhập khá. Nhờ đó mà gia đình tôi có tiền nuôi 3 con ăn học, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt và không còn là hộ nghèo của xã nữa”, chị Diệu cho biết.

Gia đình chị Huỳnh Thị Thới (xã Bình Trung) cũng nhờ vốn vay lãi suất thấp và sự tư vấn giúp đỡ của cán bộ Hội Phụ nữ nên đã vươn lên bằng nghề kinh doanh tạp hóa. Từ chỗ mua bán nhỏ lẻ, giờ đây vợ chồng chị đã có cửa hàng lớn, với hàng trăm mặt hàng, doanh thu mỗi tháng trên 10 triệu đồng... Chị Thới cho hay: “Nhờ được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức làm giàu, không chỉ có tôi mà nhiều phụ nữ khác trong xã đã biết cách làm ăn và sử dụng vốn vay hiệu quả, từng bước phát triển kinh tế gia đình”.

Hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Châu Đức có nhiều mô hình hay để hỗ trợ hội viên nghèo như: hũ gạo tiết kiệm, mái ấm tình thương, cho mượn vốn sản xuất-kinh doanh... trong đó, phong trào nuôi heo đất thu hút rất nhiều chị em tham gia. Hằng ngày, mỗi chị “cho heo ăn” 1.000 đồng, nhưng tổng số tiền của hội viên “nuôi heo” trong một năm đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Chỉ riêng Hội Phụ nữ xã Láng Lớn đã nuôi trên 400 chú heo đất để giúp phụ nữ nghèo bằng các hình thức cho mượn vốn làm ăn, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa nhà ở… và giúp con hội viên nghèo đến trường.

Chị Lê Thị Ngọc Linh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức cho biết: 5 năm qua, Hội đã huy động chị em tự nguyện cùng nhau góp vốn xoay vòng theo mô hình nhóm, tổ phụ nữ tiết kiệm, tín dụng. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 915 nhóm phụ nữ tiết kiệm với sự tham gia của 15.525 hội viên, với khả năng duy trì và thu hồi vốn xoay vòng đạt 99%. Sau 5 năm, có 8.819 hộ gia đình thoát nghèo, trong đó, có 6.173 hộ là hội viên phụ nữ và 4.502 hộ do phụ nữ làm chủ. Tổng vốn vay các kênh lãi suất thấp của toàn hội đạt hơn 106 tỷ đồng, với hơn 13.569 lượt hộ vay. Qua đó, có trên 3.766 chị có kinh tế khá giúp cho 3.858 chị thuộc diện khó khăn vay với tổng số tiền hơn 8,8 tỷ đồng.

Theo baobariavungtau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video