Phụ nữ Châu Á – tạo nên sự phát triển của toàn cầu

12/03/2010
Đó là chủ đề của “Hội nghị Giao lưu Phụ nữ Châu Á” vừa được tổ chức tại thành phố Beppu, tỉnh Oita, Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

Gần 1.000 đại biểu đại diện phụ nữ Nhật Bản và một số nước châu Á: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Thái Lan và Việt Nam đã tham dự Hội nghị. Cựu Thủ tưởng Nhật Bản ông Tomichi Murayama – chủ tịch danh dự hội nghị, thị trưởng thành phố Taketa, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc và Việt Nam tại Fukuoka đã đến dự và phát biểu. Đoàn đại biểu Phụ nữ Việt Nam do bà H’ Ngăm Niê KĐăm, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN dẫn đầu đã tham dự hội nghị này.

 

Mục đích của hội nghị nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác giữa phụ nữ các nước châu Á vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng.

 

Hội nghị đã nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng sự phát triển của châu Á đối với sự phát triển của thế giới cũng như sự tham gia và đóng góp của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế năng động của các nước châu Á trong những năm qua. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ và trình độ học vấn ngày càng cao của phụ nữ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội và các nền kinh tế theo hướng ngày càng bình đẳng. Việc đầu tư cho con người, phát huy tiềm năng của phụ nữ, quan tâm thực hiện bình đẳng giới và xây dựng hệ thống an sinh xã hội vững chắc là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

 

Trong thời đại của khoa học và công nghệ hiện đại và xã hội văn minh hiện nay, vai trò và vị trí của phụ nữ đang có sự thay đổi phù hợp với sự chuyển biến mạnh mẽ của xã hội. Phụ nữ ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là nhân tố thúc đẩy giao lưu, hợp tác hội nhập khu vực và quốc tế. Để thể hiện sự cam kết với mục tiêu bình đẳng giới các quốc gia đã sửa đổi, bổ sung, ban hành luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ theo tinh thần của Công ước CEDAW mà các nước đã phê chuẩn.

 

Tuy nhiên, chỉ vì lý do văn hóa và lịch sử, phụ nữ vẫn còn bị thiệt thòi so với nam giới. Các định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội, cản trở sự tiến bộ của phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ trong chính trị chưa tương xứng với sự tham gia và đóng góp của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội. Với phẩm chất nhân hậu, luôn quan tâm đến mọi người, tình yêu quê hương đất nước và gia đình, do vậy, ý kiến của phụ nữ thường bao quát, sâu sắc và nhậy cảm phản ánh đầy đủ các nhu cầu giới trong hoạch định chính sách.

 

Nhật Bản là một trong 5 cường quốc đứng đầu thế giới về phát triển kinh tế, nhưng lại đứng thứ 100 về tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội. Điều này thể hiện chỉ số phát triển giới chưa tương xứng với chỉ số phát triển kinh tế. Đây là một vấn đề Chính phủ Nhật Bản cần quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

 

Là một tỉnh có số người cao tuổi nhiều nhất Nhật Bản, nhằm giúp nông dân vươn lên làm giàu từ các nông sản của địa phương, chế biến thành sản phẩm có giá trị để xuất khẩu, tỉnh Oita đã thực hiện thành công mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” từ năm 1961. Để đối phó với tình hình kinh tế suy thoài của Nhật Bản, tỉnh Oita đã và đang đưa ra nhiều sáng kiến và chương trình nhằm góp phần tái thiết đất nước phồn vinh và thân thiện với môi trường.

 

Vì tương lai phát triển bền vững của châu Á, hội nghị đã kêu gọi chính phủ các nước và các tổ chức hãy quan tâm đến phụ nữ, đặc biệt trẻ em gái, dành nhiều chương trình, kinh phí và các nguồn lực cho phụ nữ phát huy tiềm năng và năng lực của phụ nữ trong mọi lĩnh vực vì sự phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và quốc tế.

 

Hội nghị đã được tổ chức thành công, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác giữa phụ nữ các nước trong khu vực.

Trần Hòa
Ban Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video