Phụ nữ có gần 17 nghìn công trình, phần việc tham gia bảo vệ môi trường

14/09/2022
Sáng 14/9, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong bảo vệ môi trường” nhằm tạo diễn đàn chia sẻ, kết nối mạng lưới các tổ chức phụ nữ bảo vệ môi trường, đề xuất giải pháp tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường hiện nay, gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong bảo vệ môi trường” được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, sáng 14/9

Hội thảo được triển khai theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và Hội LHPN 19 tỉnh/thành. Đây cũng là hoạt động mở đầu chuỗi hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 của Hội LHPN Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhận định, phụ nữ đang phải chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, ở phạm vi quốc gia và quốc tế, giới và môi trường đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm bởi mối liên hệ giữa hai thành tố này; và bình đẳng giới phần nào được phân tích như một cách tiếp cận trong quá trình xây dựng và thực hiện các can thiệp về môi trường. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định giải pháp: “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền trẻ em trong lĩnh vực môi trường; tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ trong bảo vệ môi trường”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu mở đầu hội thảo

Đối với Hội LHPN Việt Nam, bảo vệ môi trường là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ thông qua các hoạt động triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào “Chống rác thải nhựa”, đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Chính phủ... Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ tại các địa phương được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ: “Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được triển khai đồng bộ, toàn diện, đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 13 triệu gia đình hội viên đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”, gần 17 nghìn công trình/phần việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu do các chi hội/tổ phụ nữ đảm nhận”. Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác thải; giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa; trồng cây xanh, trồng đường hoa; khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.

Các hoạt động bảo vệ môi trường được các cấp Hội phụ nữ toàn quốc chung tay thực hiện trong thời gian qua

Hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong bảo vệ môi trường” gồm hai phần chính: Chia sẻ, trao đổi từ các diễn giả, chuyên gia về chủ đề chính của hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong bảo vệ môi trường” từ một số khía cạnh: luật pháp; chính sách nói chung trong phân loại và xử lý rác; trồng rừng và bảo vệ rừng; các rào cản, khó khăn mà phụ nữ đang gặp phải hiện nay trong thực hiện bảo vệ môi trường; Tập trung thảo luận về các giải pháp hỗ trợ nâng cao vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường và thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác này.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ đưa ra các giải pháp, sáng kiến, mô hình rất cụ thể nhằm hiện thực hóa các nội dung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khẳng định vai trò phụ nữ, vấn đề bình đẳng giới trong công tác bảo vệ môi trường; sự cần thiết có các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện các quy định, chính sách để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong các hoạt động bảo vệ môi trường; đặc biệt là sự chủ động, nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, vươn lên phát triển toàn diện của mỗi người phụ nữ, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Toàn cảnh buổi hội thảo 

Bế mạc chương trình, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương đánh giá, các thông tin được đưa ra vô cùng hữu ích, thiết thực nhằm hỗ trợ, gợi ý cho các cấp Hội một số nội dung, phương thức để bảo vệ môi trường. Thông qua sự chia sẻ về các hoạt động, Phó Chủ tịch mong muốn các đơn vị, tổ chức phi Chính phủ tiếp tục đồng hành, phối hợp với Hội để thực hiện tốt hơn công tác BVMT trong thời gian tới.

 

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong khi chưa đến 1/3 trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người cũng tăng gấp 5 lần, tính từ năm 1990 đến nay.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16 % mỗi năm.

Hệ thống thoát nước tại các đô thị chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thoát nước.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video