Phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong gia đình xưa và nay

26/06/2015
Tây Nguyên là nơi cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số bản địa Êđê, Bana, Jrai, M’nông, Mạ… Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng tạo nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên phong phú, đa dạng. Một trong những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa truyền thống Tây Nguyên là chế độ mẫu hệ.

Trong gia đình của một số tộc người Tây Nguyên xưa, người có quyền lực cao nhất là phụ nữ. Người phụ nữ là chủ gia đình, con cái theo họ mẹ, người phụ nữ đi cưới chồng, gia tài của bố mẹ do con gái thừa kế, người phụ nữ là người điều hành, phân công mọi công việc, là người chăm sóc, dạy dỗ con cái… Người phụ nữ đóng vai trò trung tâm, tạo không khí vui vẻ về tinh thần và vật chất cho các thành viên trong gia đình. Sự phân công công việc trong gia đình các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đa số theo hướng đàn ông “chủ ngoại”, phụ nữ “chủ nội”, nhưng quyền quyết định cuối cùng nằm trong tay người phụ nữ. Điều đó khiến cho vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội truyền thống cao hơn người đàn ông, nhưng cũng không quá coi trọng đến mức “trọng nữ khinh nam”.

Người Êđê quan niệm rằng “con trai ăn cơm ở rừng, con gái ăn cơm ở nhà”, ngụ ý rằng con gái chủ yếu sống trong gia đình còn con trai là người sống ngoài gia đình. Do vậy, trẻ em của các tộc người theo chế độ mẫu hệ từ 9 tuổi trở lên sẽ được phân công công việc theo giới tính, con gái thì lấy nước, kiếm củi, trông em, dọn dẹp nhà cửa… còn con trai tách khỏi việc nhà để tham gia các hoạt động bên ngoài như làm rẫy, bẫy chim, bắt cá…So sánh thời gian đầu tư cho công việc phải làm giữa con trai và con gái cùng độ tuổi, có thể thấy con gái thường làm những công việc nhẹ hơn nhưng ít có thời gian nhàn rỗi hơn con trai. Con trai tuy làm những công việc vất vả, nặng nhọc hơn lại có thời gian rảnh rỗi nhất là vào những lúc nông nhàn (khoảng một tháng), đây là lúc những người đàn ông nghỉ ngơi, uống rượu, đánh chiêng và vui chơi. Còn người con gái, ngay cả lúc nông nhàn cũng vẫn bận rộn, vất vả vì đây là thời điểm các gia đình tổ chức các lễ cúng khác nhau nên phải giúp mẹ giã gạo, nấu cơm, lấy nước, bổ củi, dọn dẹp nhà cửa.

Sau khi kết hôn, sự phân công lao động theo giới tính diễn ra một cách tự nhiên. Hái lượm là công việc chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm như hái rau rừng vào mùa khô, thu hoạch rau trồng quanh nhà vào mùa mưa, hái măng phơi khô để dự trữ… Đây là công việc có ý nghĩa kinh tế nổi bật, đóng vai trò chính để nuôi sống gia đình, nhất là vào lúc giáp hạt hay mùa màng thất thu. Ngoài ra phụ nữ còn tranh thủ thời gian trồng bông, dệt vải, may quần áo. Công việc chính của đàn ông là phát rẫy, làm nương, lúc rảnh rỗi tranh thủ đặt bẫy chim và các loài thú rừng, đánh cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày, sản xuất những sản phẩm để phục vụ nhu cầu của gia đình như đan gùi, rổ rá, nong, nia, giỏ bắt cá…Có thể thấy, trong xã hội mẫu hệ truyền thống, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong duy trì cuộc sống gia đình.

Ngày nay, cùng với sự phát triển trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào Tây Nguyên và sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác, gia đình truyền thống của các tộc người theo mẫu hệ ở Tây Nguyên đã và đang diễn ra nhiều thay đổi sâu sắc theo hướng tiến bộ, bình đẳng.Vai trò, vị thế của phụ nữ và nam giới cùng được nâng lên. “Trước đây, muốn quyết định công việc gì trong gia đình, người đàn ông phải hỏi phụ nữ trước. Bây giờ đã có sự thay đổi rất lớn, ngày xưa mọi việc phụ thuộc vào người phụ nữ thì bây giờ cả hai vợ chồng cùng quyết định”(Chị Mí Bi, Buôn Akô Thong, Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk).

Hiện nay, nhiều người Êđê và một số dân tộc khác, con cái mang cả họ cha và họ mẹ, sau khi kết hôn người ta có thể ở bên nhà gái hoặc nhà trai tùy theo điều kiện của gia đình. Việc phân công lao động theo giới tính truyền thống đã có nhiều thay đổi. Người phụ nữ DTTS ngoài việc làm hàng ngày trong gia đình, còn đi lao động thêm tăng thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, chị em còn tham gia rất tích cực các hoạt động cộng đồng vào những dịp lễ lớn của dân tộc tại thôn bản và địa phương. Ngoài xã hội, trong những năm gần đây phụ nữ dân tộc bản địa cũng dần khẳng định vai trò trụ cột, song hành cùng chồng trong phát triển kinh tế, chăm sóc nuôi dạy con cái, là người vợ, người mẹ chu toàn trong gia đình và từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong tham gia các hoạt động của xã hội. Tại Lâm Đồng hiện có 120 chị là người DTTS tham gia cấp ủy các cấp; 38.900 hội viên DTTS sinh hoạt tại 1.617 tổ phụ nữ.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc tham gia sản xuất nông nghiệp cùng chồng, hoặc đi làm thuê để tăng thu nhập gia đình, bên cạnh việc vẫn phải gánh trọn vai trò quản lý kinh tế hộ, chăm sóc cha mẹ, con cái nhưng lại thiếu đi sự đỡ đần của người đàn ông đối với công việc gia đình đã vô hình chung tăng thêm gánh nặng lên vai người phụ nữ. Để thay đổi tình trạng này, bên cạnh việc giúp người dân nhận thức về bình đẳng giới, về sự bất hợp lý trong phân công lao động giữa nam và nữ…cần tăng cường tuyên truyền thay đổi ý thức của người đàn ông trong việc chia sẻ với vợ việc nhà, chăm sóc con cái, đồng thời tăng cường nâng cao kiến thức về xã hội, khoa học kỹ thuật cho phụ nữ DTTS, giúp họ tự tin vào bản thân, từ đó nỗ lực vươn lên khẳng địnhvị thế của mình trong xã hội./.

Lò Thu Thủy, Ban DTTG TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video