Phụ nữ giỏi trong đàm phán thương mại

03/12/2020
Phụ nữ có thể trở thành những nhà đàm phán hàng đầu và nên có được sự thừa nhận xứng đáng với đóng góp của họ.
Bà Sulaimah Mahmood - Trưởng đoàn đàm phán của Singapore tại RCEP

Sau khi 15 quốc gia (bao gồm Việt Nam) ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 15/11, nhà ngoại giao kỳ cựu Tommy Koh (Singapore) đã chỉ ra rằng, một số nhà đàm phán giỏi nhất trong sự kiện lần này là phụ nữ và bày tỏ sự ngưỡng mộ. Trên Facebook, ông thậm chí đã nêu đích danh vài cái tên như Sulaimah Mahmood, Ng Bee Kim và Mary Elizabeth Chelliah.

Năng lực vẫn chưa giúp cải thiện bình đẳng giới

Hai năm trước, Ng Bee Kim là trưởng đoàn đàm phán của Singapore trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký giữa 11 quốc gia. Đây là phiên bản cải tiến của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất, nhưng Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định vào tháng 1/2017.

Mary Elizabeth Chelliah là người đã dẫn đầu đoàn đàm phán thỏa thuận thương mại của Singapore với Peru, giúp giảm thuế quan cho hơn 87% hàng hóa của Singapore xuất khẩu sang Peru. Còn Sulaimah Mahmood là trưởng đoàn đàm phán của Singapore tại RCEP.

Ông Koh cho rằng, phụ nữ có thể trở thành những nhà đàm phán hàng đầu vì “nền công vụ của Singapore không phân biệt đối xử với phụ nữ”.

Bà Ng Bee Kim

Deborah Elms - nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á - cho biết một số nhóm đàm phán RCEP (bao gồm tất cả các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và CPTPP do phụ nữ lãnh đạo. “Phụ nữ chiếm hơn phân nửa quan chức tham gia đàm phán” - bà nói.

Rebecca Fatima Sta Maria - cựu Tổng thư ký của Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia, người đã tham gia vào việc định hình RCEP từ những ngày đầu - nói: “Khi bạn nhìn qua phía bên kia bàn, có rất nhiều phụ nữ. Ở ASEAN, hơn một nửa số quan chức cấp cao là phụ nữ”.

Tại những quốc gia châu Á khác, phụ nữ cũng đang dẫn đầu. Elizabeth Ward - Lãnh sự hiện tại của Úc tại Hồng Kông và Ma Cao - đã đàm phán thành công hiệp định thương mại tự do Hồng Kông - Úc, được ký kết vào năm ngoái. Bà cũng là trưởng đoàn đàm phán của Úc trong CPTPP.

Năm 2001, đại diện của Trung Quốc trong nỗ lực tham gia Tổ chức Thương mại thế giới  (WTO) cũng là một phụ nữ, cựu Bộ trưởng Thương mại Wu Yi. Các nhà quan sát nhớ rất rõ những xung đột nảy lửa suốt 50 cuộc họp từ năm 1995 đến năm 2000 giữa bà Wu Yi và đại diện của Mỹ khi đó là bà Charlene Barshefsky - một nhà đàm phán đình đám của Washington. Điều thú vị là Barshefsky cũng từng đối đầu với bà Rafidah Aziz (cựu Bộ trưởng Thương mại quốc tế Malaysia) trong khuôn khổ Hiệp định Công nghệ thông tin tại WTO vào năm 1998.

Tuy nhiên, theo Isabelle Durant - Phó tổng thư ký Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển - những ví dụ kể trên không phản ánh bình đẳng giới trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Bà chỉ ra rằng, dù ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận các vị trí cấp cao nhưng họ vẫn ít được góp mặt trong các nhóm ngoại giao, đàm phán và trong kinh tế, chính trị, khoa học nói chung.

Bà Rebecca Fatima Sta Maria

Phụ nữ nên được thừa nhận trên mọi mặt trận

Deborah Elms cho rằng, lĩnh vực kinh tế và thương mại sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ so với an ninh, quốc phòng hoặc đối ngoại. “Tôi không chắc tại sao lại như vậy nhưng kinh nghiệm bản thân cho thấy, điều đó đúng vì việc tìm thấy phụ nữ trong các cuộc đàm phán thương mại không phải hiếm. Thế nhưng, trong những bối cảnh khác, phụ nữ hầu như không có mặt” - cô nói.

Thật vậy, khi Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore sắp xếp để các nhà đàm phán RCEP của mình phát biểu trước giới truyền thông, 5/6 người có mặt là phụ nữ. Họ hoan nghênh lời khen ngợi của Koh nhưng không cho rằng phụ nữ là những nhà đàm phán giỏi hơn. Ông Koh cho rằng phụ nữ thường có chỉ số cảm xúc EQ cao hơn đồng nghiệp nam và kiên nhẫn hơn, nhưng cũng cho biết, vai trò cấp cao của họ không liên quan gì đến giới tính.

Bà Charlene Barshefsky

Sta Maria - Giám đốc điều hành của Ban thư ký APEC tại Singapore - nói: “Việc chúng tôi mang giới tính nào không ảnh hưởng đến năng lực đàm phán. Chúng ta không nên đặt lăng kính giới vào nó”. Nhận xét về Sulaimah và Ng - những người mà cô từng làm việc chung nhiều lần - Sta Maria nói: “Họ có nhiều kinh nghiệm. Hãy tập trung vào kinh nghiệm và năng lực đó chứ không phải giới tính”.

Thế nhưng, Sta Maria cũng thừa nhận sự khác biệt về kỹ năng khi các nhà đàm phán nữ sở hữu “một mức độ linh hoạt nhất định và lắng nghe nhiều hơn”. Cô hoan nghênh lời khen ngợi của Koh và đồng ý rằng, phụ nữ kiên nhẫn hơn.

Theo Sta Maria, lời bình luận của Koh như một cách nhấn mạnh “phụ nữ nên có được sự thừa nhận xứng đáng với đóng góp của họ”.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video