Phụ nữ Hà Giang thi đua sáng tạo khởi nghiệp, bảo vệ môi trường

19/06/2020
Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ vươn lên, ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội
Mô hình nuôi giun quế của chị Hà Thị Nhâm, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ).

Bằng nhiều hình thức thi đua thiết thực hướng tới đại hội Đảng các cấp, với nhiều giải pháp sáng tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ vươn lên, ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Nguyễn Thị Kiều Yên, cho biết: Từ nhu cầu thực tế của hội viên, Hội LHPN cấp cơ sở đã có sự hỗ trợ phù hợp, triển khai các hoạt động trọng tâm, giúp phụ nữ khởi sự kinh doanh, như: Duy trì và nhân rộng 481 “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”; hỗ trợ thành lập mới 1 HTX (HTX Yến Nhi, T.p Hà Giang) nâng số HTX do Hội hỗ trợ lên 8 HTX; hỗ trợ 7 phụ nữ khởi sự kinh doanh theo loại hình kinh tế hộ, nâng số phụ nữ được hỗ trợ lên 222 người. Các cấp Hội tích cực thực hiện việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho  hội viên, phụ nữ, qua đó đã thúc đẩy, cổ vũ phụ nữ hăng hái thi đua phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay, các cấp Hội quản lý nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 840 tỷ đồng cho trên 24 nghìn hội viên, phụ nữ vay vốn làm kinh tế. Bên cạnh đó, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện các hình thức tiết kiệm được trên 30 tỷ đồng, với gần 79 nghìn thành viên tham gia. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Hà Giang được triển khai tại 30 xã, thuộc 5 huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì đã giúp đỡ phụ nữ có thêm nguồn vay vốn để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức 18 lớp tập huấn chuyển giao KHKT và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,... cho 630 người tham gia. Từ đó, giúp chị em có vốn và kiến thức để khởi sự kinh doanh.

Đối với hội viên là hộ nghèo, Hội đã triển khai dự án “Nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu/bò sinh sản luân chuyển” tại xã Nghĩa Thuận, Tùng Vài (Quản Bạ), với 32 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con trâu/bò. Đến nay, đã phát triển được 44 con bê/nghé và chuyển giao cho các hộ nghèo khác chăn nuôi. Bên cạnh đó, mô hình thí điểm “Nuôi giun quế khép kín” đã triển khai hiệu quả với 219 hộ tham gia. Những mô hình này được các cấp Hội và hội viên đánh giá rất hiệu quả, phù hợp với điệu kiện của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và bảo vệ môi trường.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội còn triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như vận động hội viên, phụ nữ tổ chức tốt cuộc sống gia đình, ăn ở gọn gàng, ngăn nắp, hợp vệ sinh, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường. Tổ chức duy trì và nhân rộng các mô hình tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Thành lập và duy trì 37 tổ “Phụ nữ xách làn/túi dân tộc/quẩy tấu đi chợ”; 95 nhóm/tổ “Phân loại, thu gom và xử lý rác thải”; 85 tuyến đường “Phụ nữ nói không với rác thải”; 105 “Đoạn đường phụ nữ tự quản; 75 “Lò đốt rác thải mi ni”,… Các cấp Hội tích cực tuyên truyền chị em bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Các phong trào thi đua đã trở thành động lực thúc đẩy, động viên, khích lệ cán bộ, hội viên, phụ nữ hăng hái lao động, phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH tại địa phương.

baohagiang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video