Phụ nữ Hàm Thuận Bắc thi đua làm kinh tế giỏi

17/07/2020
Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hàm Thuận Bắc đã phát huy sức mạnh đoàn kết, khơi dậy tinh thần sáng tạo, năng động của chị em trên mọi lĩnh vực.
Phụ nữ Hồng Sơn chuyển đổi cây hoa màu trên đất lúa mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vốn và kiến thức

Hội LHPN Hàm Thuận Bắc hiện có hơn 31.000 hội viên, kinh tế gia đình đa số dựa vào sản xuất thanh long, lúa, hoa màu. Vì thế để giúp hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống, hàng năm Hội LHPN đã chỉ đạo các cơ sở hội khảo sát đời sống, nhu cầu của hội viên, phụ nữ. Từ đó có hình thức đánh giá, phân loại hộ gia đình phụ nữ nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bà Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội LHPN Hàm Thuận Bắc cho biết: Hội đã phát động phong trào “Phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc”, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua ký hợp tác liên tịch với các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng hỗ trợ vốn vay cho chị em; phối hợp với ngành chức năng mở lớp khởi sự kinh doanh, dạy nghề, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, giúp các chị mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.

Đáng khen là nhiều cơ sở hội đã thành lập được các tổ giúp nhau thoát nghèo bền vững, tổ tiết kiệm, tổ góp vốn xoay vòng, hũ gạo tình thương, tổ dịch vụ gia đình… Qua đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân và xuất khẩu, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ hiệu quả của mô hình điểm câu lạc bộ nữ kinh doanh xã Hàm Hiệp, đến nay có 9 câu lạc bộ kinh doanh tại các xã, thị trấn đang hoạt động; phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho 30 hội viên phụ nữ vay số tiền 680 triệu đồng để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt sau khi đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội LHPN đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn. Trên cơ sở đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Việc tổ chức ngày hội khởi nghiệp ở huyện đã tạo sự lan tỏa rộng rãi về tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ, giúp họ mạnh dạn, sáng tạo những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, hộ kinh doanh cá thể.

Những hội viên tiêu biểu

Biết phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, cùng với sự quyết tâm, ham học hỏi, chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp trên chính mảnh đất của mình, nhiều hội viên, phụ nữ ở Hàm Thuận Bắc đã vươn lên làm giàu chính đáng. Và không chỉ giỏi trong làm ăn, họ còn là những hội viên tích cực trong xây dựng hội, có trái tim nhân hậu trước những mảnh đời khó khăn, kém may mắn. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến bà Nguyễn Thị Sương (thôn Đại Thiện 2, xã Hàm Hiệp).

Cuộc sống quá khó khăn, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Sương quyết định làm kinh tế từ những luống rau và thu mua thanh long cho những vựa lớn. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chi tiêu hợp lý, vợ chồng bà đã tích góp mua đất trồng thanh long và áp dụng sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch. Đến nay diện tích của gia đình đã tăng lên 2,2 ha và đầu tư thêm xe tải nhỏ phục vụ mua bán thanh long. Thấm thía nỗi vất vả trong làm kinh tế, bà tích cực đóng góp vào hũ gạo tình thương của chi hội và quỹ “Tiếp bước cho em đến trường”; trao đổi kinh nghiệm thu mua và chăm sóc thanh long; tạo việc làm ổn định cho hội viên…

 Hay như chị Bùi Thị Diễm (thôn Đa Tro, xã Đa Mi) - xuất phát điểm của hai vợ chồng đều nghèo khó. Khi thấy đất đai ở Đa Mi rộng, khí hậu mát mẻ nên anh chị quyết tâm vay mượn ngân hàng đầu tư trồng cây ăn trái. Trong 7 ha đất, chị trồng đủ loại từ sầu riêng, bơ, chôm chôm, mít Thái, cà phê… vừa để mùa nào cũng có thu hoạch, vừa lấy ngắn nuôi dài và có nguồn thu ổn định nếu như từng loại mất mùa, rớt giá. Chị cũng tranh thủ học hỏi thêm nhiều kiến thức về trồng trọt, tham quan kinh nghiệm từ mô hình làm vườn của các hộ trên địa bàn để áp dụng canh tác ở diện tích gia đình. Cây trái không phụ công người, mỗi năm gia đình chị thu lãi gần 500 triệu đồng.

Hiện chị Diễm là một trong những thành viên nòng cốt tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch ở chi hội…

Còn rất nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên ở Hàm Thuận Bắc và chính các chị đang góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”.

Tổng nguồn vốn Hội LHPN huyện đang quản lý trên 300 tỷ đồng, giúp gần 8.000 lượt hộ vay. Hiện Hàm Thuận Bắc chỉ còn 1.076 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

baobinhthuan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video