Phụ nữ - ‘Hạt nhân’ đảm bảo an toàn giao thông

31/07/2020
Ở Việt Nam, hình ảnh những nữ tài xế, nữ cơ trưởng, nữ CSGT, nữ nhân viên cứu hộ đã không còn quá lạ lẫm. Họ đang góp phần trở thành những “hạt nhân” trong công tác đảm bảo an toàn giao thông cho toàn xã hội.
Những phụ nữ gác chắn đường tàu.

Phụ nữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đương nhiên, lĩnh vực giao thông vận tải cũng không ngoại lệ. Ở Việt Nam, hình ảnh những nữ tài xế, nữ cơ trưởng, nữ CSGT, nữ nhân viên cứu hộ đã không còn quá lạ lẫm. Họ đang góp phần trở thành những “hạt nhân” trong công tác đảm bảo  an toàn giao thông cho toàn xã hội.

Mỗi ngày, khoảng 9 giờ tối, sau khi kết thúc công việc của mình, Phạm Minh Hằng, 28 tuổi lại rong ruổi các cung đường Hà Nội trên chiếc xe máy cũ sần theo thời gian. Hễ ai gặp sự cố phương tiện ở trên đường, Hằng lại giở đồ nghề sửa chữa ra giúp miễn phí.

Cô gái thuộc “Nhóm cứu hộ Hà Nội” chia sẻ lý do mình làm một công việc lạ lẫm với nhiều người này: “Đi đường mình gặp rất nhiều người bị hỏng xe nhưng mình chẳng có cách nào để giúp người ta được cả. Mình nghĩ thế tại sao mình không học để mình giúp người ta luôn. Có những hôm mình cũng đọc các bài trong nhóm là người ta cần cứu hộ, cần giúp đỡ thì mình cũng đến giúp người ta, sau đó mình có xin tham gia vào nhóm."

Chị Phạm Minh Hằng và nhóm Cứu hộ Hà Nội trong một ca "cấp cứu".

Với định kiến của một bộ phận xã hội cho rằng, con gái không phù hợp với việc sửa xe, Phạm Minh Hằng đôi lúc cũng gặp rắc rối. Có người nhìn với ánh mắt kỳ thị, xa lánh, người lại e sợ bị Hằng… lừa. Thậm chí, cả gia đình cô cũng phản đối, khóa cửa, đổi chìa khóa không cho ra ngoài vào ban đêm.

Hằng đã phải giải thích rất nhiều về công việc ý nghĩa của mình, và cô không làm việc một mình mà có sự hỗ trợ rất đắc lực của các thành viên khác trong nhóm.

“Ai cũng hỏi mình là tại sao mình lại làm việc này lâu như thế thì thực ra cái để mình duy trì công việc này chính là nụ cười của mọi người khi mà mình giúp đỡ người ta rồi. Mình cứ cố gắng để ngày nào mình cũng hỗ trợ được càng nhiều người càng tốt, đôi khi chỉ là một lời cảm ơn thôi, mình cũng rất là vui rồi"

Đến giờ, những nỗ lực của Phạm Minh Hằng đã có ít nhiều thành quả. Chí ít, gia đình cô và những người lỡ làng giữa đường đã không còn quá định kiến với công việc thầm lặng đó nữa.

Cũng trong hoàn cảnh bị gia đình phản đối khi mới vào nghề, chị Lưu Thị Hòa, có 8 năm lái xe taxi ở Công ty cổ phần Mai Linh miền Bắc cho biết, mọi người can chị không nên lái vì là nghề vất vả, lại nguy hiểm.

“Khó nhất là gặp khách hàng nam, họ say rượu thì mình gọi bạn bè hỗ trợ, hoặc đưa họ đến chỗ nào đó để tỉnh táo, cho họ uống nước rồi về nhà. Cũng có lần khách hàng gây gổ khi mà họ say rượu, họ ngồi phía sau đập tay vào ghế, nói linh tinh, phải nhờ anh em khác chở họ về. Lúc đấy cũng cảm thấy tủi thân vì mình làm nghề vất vả. Nghĩ cũng hơi buồn nhưng dần dần quen, anh em bạn bè đồng nghiệp, công ty động viên mình vượt qua giai đoạn khó khăn”

Dù vậy, với thuận lợi có ông xã cùng nghề, thấu hiểu và chia sẻ những lúc vất vả, chị Hòa dần thuyết phục được mọi người bằng cách trau dồi kỹ năng ngày một hoàn thiện. Bên cạnh đó, bản thân chị cũng rất ngưỡng mộ nhiều phụ nữ lái xe khác, và công việc này cũng giúp kinh tế thêm cho gia đình.

“Định kiến thì có nhiều người cũng phản ứng về việc lái xe của phụ nữ nhưng nhiều người cũng ưu ái, nhiều khách đi xe nữ cũng ưu tiên. Khách hàng lên đều vui vẻ, thoải mái, họ cũng rất quý mình. Ví dụ như ngày lễ tình yêu vừa qua, tôi vẫn phải chở khách. Họ đi xe rất vui vẻ . Họ dừng lại mua hoa thì cũng tặng tôi để làm quà valentine”

Trường hợp bạn Phạm Minh Hằng và chị Lưu Thị Hòa không phải hiếm. Họ làm những công việc vượt qua định kiến của nhiều người là không dành cho phái yếu.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Lê Thị Quý- Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển cho rằng, đây là những minh chứng cho thấy vai trò của phụ nữ ngày càng được thừa nhận trong xã hội.

“Hiện nay, chúng ta thấy phụ nữ chiếm đến nửa dân số và họ đóng góp rất to lớn trong sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nhân rồi bây giờ phụ nữ cũng bắt đầu tham gia trong lĩnh vực giao thông, thậm chí có cả phi công nữ. Tất nhiên vẫn còn cái bất bình đẳng giới trong cách nhìn nhận vai trò của phụ nữ cũng như nam giới. chính vì thế, phụ nữ có vai trò rất lớn nhưng vị trí thấp hơn nam giới. Điều này là vi rơi rớt tư tưởng trọng nam khinh nữ từ trong gia đình xã hội”

Lấy minh chứng các quán nhậu ít bóng phụ nữ, GS.TS Lê Thị Quý cho rằng, do họ bận chứ không phải ngại ngồi. Phân công lao động về giới bất hợp lý dẫn đến ngoài giờ lao động, phụ nữ phải lao về nhà rồi nấu cơm, giặt giũ, họ không có điều kiện để ngồi nhậu. Sự bất hợp lý này cần được thay đổi.

Đề cập khả năng tác động vào hoạt động điều khiển phương tiện, giám sát và quản lý giao thông của phụ nữ, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đồng tình với ý kiến của GS.TS Lê Thị Quý. Ngoài việc trực tiếp đảm bảo an toàn giao thông khi lái xe, phụ nữ còn gián tiếp tạo môi trường giao thông an toàn, xây dựng văn hóa tham gia giao thông lịch sự, văn minh bằng cách tác động tới ý thức các thành viên trong gia đình, tại nơi làm việc hoặc trong cộng đồng.

"Người ta nhẹ nhàng, không vội vàng, không nóng vội. Phụ nữ ít trường hợp người ta đi đường lộn xộn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, luôn luôn khuyên con cháu, chồng mình tuân thủ luật lệ giao thông. Đặc điểm của người phụ nữ là người ta cẩn thận, chu đáo, chỉn chu, nhẹ nhàng và sát sao trong công việc và rất cẩn thận trong các động tác. Cho nên với người phụ nữ, khi lái xe hoặc làm việc gì về giao thông thì ít xảy ra tai nạn hoặc sự cố so với nam giới. Đây là điều phải được ghi nhận".

Được biết, những năm gần đây, bên cạnh tuyên truyền cho đối tượng nam giới trẻ về an toàn giao thông, Ủy ban an ATGT Quốc gia cũng nhấn mạnh đến vai trò của những người thân cận nhất với nhóm đối tượng này.  Tiến sĩ Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết:

“Vai trò của người mẹ, người vợ, người yêu đối với nhóm người có tỉ lệ tai nạn giao thông lớn là nam giới trẻ rất quan trọng. Tôi cũng đã lập một fanpage có tên là Phụ nữ Việt Nam vì an toàn giao thông, cá nhân tôi cho rằng, nếu những người phụ nữ thực sự tích cực thì họ sẽ giúp đỡ rất nhiều cho công tác tuyên truyền và xây dựng chính sách an toàn giao thông”.

Ở góc độ truyền thông, Tiến sĩ Nguyễn Thương Huyền – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, đối với việc phòng chống TNGT liên quan đến rượu bia, trách nhiệm của những người phụ nữ, người mẹ, người vợ, người yêu cần được đặt ở vị trí trung tâm:

“Tôi cho rằng, biện pháp tuyên truyền hạn chế uống rượu bia thông qua chị em là có tác dụng hiệu quả nhất. Trong gia đình hiện đại, vai trò và tiếng nói của người phụ nữ ngày càng quan trọng, và việc các ông chồng có bê tha hay không cũng có trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Những người thân cận nhất cùng nhau nhắc nhở và lên án mạnh mẽ, tôi tin, không có ông chồng nào yêu vợ, yêu con lại vẫn tiếp tục bê tha chè chén”.

vovgiaothong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video