Phụ nữ khuyết tật cần hỗ trợ rất nhiều để vượt qua rào cản

23/09/2021
Người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống và công việc. Đặc biệt, phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp có nhiều rào cản phải vượt qua.
Bà Đỗ Thị Huyền -Giám đốc Abilis tại Việt Nam

Trước hết là những định kiến. Dù hiện nay, xã hội đã cởi mở hơn nhưng không vì thế mà sự kỳ thị, phân biệt không còn. Riêng phụ nữ khuyết tật, sự phân biệt đối xử còn nhân lên gấp đôi. Cơ hội tiếp cận giáo dục của chị em cũng hạn chế, do nhiều nguyên nhân từ gia đình, cộng đồng, môi trường giáo dục, đi lại khó khăn, chưa tiếp cận được với các dạng tật khác nhau.

Có thể kể một số ví dụ: Có trường hợp đến giới thiệu, hợp tác phát triển sản phẩm thì bị chặn ngay từ cổng vì họ cho rằng người khuyết tật đến để kêu gọi, bán đồ từ thiện và họ không có nhu cầu mua, ủng hộ từ thiện... Những định kiến này là một trong những nguyên nhân dập tắt ý tưởng khởi nghiệp của người khuyết tật ngay từ trong suy nghĩ.

Rào cản thứ hai phải kể đến là môi trường vật lý. Khi chị em muốn khởi nghiệp, kinh doanh, thì ít nhất cũng phải có tài khoản ngân hàng. Nhưng hiện tại, nhiều ngân hàng từ chối mở tài khoản cho người mù, người điếc vì cho rằng họ không giao tiếp được với nhân viên, hoặc để ký kết giấy tờ (đối với người mù)....

Bên cạnh đó, với chị em khuyết tật, cơ hội giáo dục, tiếp cận các khóa đào tạo kỹ năng, kiến thức... còn hạn chế, nên nhiều chị em chưa tự tin vào bản thân. Họ cũng không có ai để đồng hành, hỗ trợ, tạo động lực thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, biến đam mê thành hiện thực. Riêng với người mù, khi mở cửa hàng, họ gặp khó khăn trong trang trí, sắp xếp cửa hàng, giao tiếp với khách hàng, nên họ cần có người bình thường tham gia giúp đỡ... Ngoài ra, còn có một số trường hợp người khuyết tật vẫn còn có suy nghĩ mình bị khiếm khuyết, cần được cộng đồng ủng hộ, làm từ thiện... cũng là rào cản để họ tự đứng lên khởi nghiệp.

Để hỗ trợ người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp nói riêng khởi nghiệp, theo tôi, điều quan trọng nhất là phải đào tạo, cung cấp kiến thức, kỹ năng về kinh doanh cho cá thể hoặc hộ kinh doanh. Họ cần phải được học từ những kiến thức cơ bản như cách tính lãi, quản lý tiền vào, tiền ra; tiếp đó là những kiến thức liên quan đến sản phẩm, quảng bá, giao dịch với đối tác...

Một nguồn lực cần có để đồng hành cùng phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp là kết nối mạng lưới. Như tôi đã chia sẻ ở trên, cơ hội tiếp cận của phụ nữ khuyết tật còn hạn chế từ định kiến, môi trường và bản thân chưa tự tin, e dè về khiếm khuyết của mình nên chị em chưa mạnh dạn kết nối với nhà cung cấp, với đối tác... Vì thế, họ rất cần có sự kết nối mạng lưới để hỗ trợ. Với vai trò là một tổ chức của người khuyết tật, do chính người khuyết tật thành lập và điều hành hoạt động, Quỹ Abilis Phần Lan có trụ sở chính tại Helsinki, Phần Lan. Abilis hoạt động ở Việt Nam từ năm 2014 và có nhiều hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế cũng như khởi nghiệp. Trong đó có rất nhiều dự án cũng như những hoạt động liên quan đến vấn đề sinh kế, việc làm cho người khuyết tật và vấn đề phụ nữ khuyết tật cũng như vấn đề về trẻ em gái luôn được ưu tiên trong các chương trình cũng như các hoạt động hỗ trợ từ các dự án của Abilis.

Cùng với các tổ chức đồng hành với người khuyết tật, Hội LHPN cũng là một trong những kênh kết nối quan trọng. Tôi được biết, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã có cuộc thi dành cho phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật. Tôi đánh giá cao những hoạt động này. Đây là những hỗ trợ thiết thực và quan trọng với phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp. Tôi mong muốn, Hội LHPN Việt Nam tổ chức thêm nhiều chương trình trao đổi, học hỏi, tham quan, chia sẻ từ các mô hình khởi nghiệp thành công để tạo động lực cho phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp.

Tôi cũng mong cộng đồng có thể nâng cao nhận thức về người khuyết tật, nhìn nhận họ bình đẳng như mọi công dân khác. Người khuyết tật có những khiếm khuyết không mong muốn, nên họ rất cần được xóa bỏ những rào cản xã hội, rào cản về thể chế, môi trường vật lý để họ được sống và làm việc trong môi trường hòa nhập, tự tin khẳng định khả năng, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng. Cộng đồng mua và sử dụng sản phẩm với tâm thế có nhu cầu, chứ không phải là làm từ thiện, ủng hộ.

Tôi tin rằng, cơ hội có việc làm, có thu nhập, có thể khởi nghiệp tạo thu nhập cho người khác sẽ giúp phụ nữ khuyết tật tự tin đối mặt và vượt qua định kiến. Từ đó, họ có thể chứng minh với xã hội: Chúng tôi có thể làm được. Với sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện khởi nghiệp trong môi trường thân thiện, hòa nhập, phụ nữ khuyết tật có thể thay đổi bản thân, tự tin hơn để làm chủ bản thân, và có thêm các cơ hội khác từ công việc và tìm hạnh phúc cá nhân cho mình.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video