Phụ nữ là nạn nhân đầu tiên của suy giảm kinh tế

03/10/2009
Khi các nền kinh tế ở khu vực Châu Á bắt đầu phục hồi, thời gian đã chín muồi cho các nhà hoạch định chính sách giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới đang khiến cho phụ nữ tiếp tục bị loại ra ngoài lề.

 Đó là những nội dung của cuộc hội thảo cấp cao tổ chức vào ngày 29-9 tại Hà Nội.

Tại buổi thảo luận về các vấn đề giới, bà Ing Kantha Phavi, Bộ trưởng Phụ nữ của Campuchia đã lưu ý rằng, trong khi phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu sử dụng nhiều lao động của khu vực, họ cũng là đối tượng đầu tiên phải hứng chịu gánh nặng do suy giảm nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất ở Châu Á khi khủng hoảng xảy ra.

Phụ nữ tại khu vực Châu Á đã từng đi đầu trong sự tăng trưởng bùng nổ dựa trên xuất khẩu của khu vực trong một thập kỷ qua. Nhưng giờ đây họ cũng nằm trong số những nạn nhân đầu tiên chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Bà Phavi phát biểu: “Tại đất nước tôi, hàng ngàn phụ nữ đã mất việc làm trong ngành may mặc, buộc họ phải vật lộn để có thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu. Giờ đây, các chính phủ cần phải giải quyết những vấn đề cụ thể của phụ nữ trong giai đoạn khó khăn để tránh những bước thụt lùi trong bình đẳng giới và tình trạng nghèo đói diễn ra từ thế hệ này sang thế hệ khác.”

Các diễn giả khác cũng cho rằng, những lời kêu gọi tăng tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh thương mại nội khối và cải thiện các hệ thống bảo trợ xã hội trong bối cảnh khủng hoảng đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực ít có cơ hội để giải quyết vấn đề khoảng cách giới.

Bà Shireen Lateef, Vụ Trưởng Lĩnh vực Xã hội thuộc Vụ Đông Nam Á của ADB cho rằng: “Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không nên tiếp tục dựa vào phụ nữ để làm bước đệm đối với tác động của các cú sốc kinh tế.” Các đại biểu đã tranh luận rằng khu vực phi chính thức đã cung cấp bước đệm tài chính cho phụ nữ trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, nhưng giờ đây không còn có thể làm được điều này.

Vấn đề giới trong một loạt các ngành xuất khẩu đã được thảo luận, trong đó có ngành da giày tại Việt Nam, dệt may tại Campuchia, linh kiện ô tô tại Malaysia và Thái Lan, điện tử và trung tâm trả lời khách hàng tại Philippines, sản xuất đồ nội thất tại Indonesia, điện tử và các lĩnh vực khác tại khu vực miền nam Trung Quốc. Các diễn giả ghi nhận rằng lao động phụ nữ khi nghỉ việc liên quan đến xuất khẩu có cơ hội rất hạn chế để kiếm được nguồn thu nhập thay thế và phải đối mặt với một khối lượng công việc không được trả lương nhiều hơn, dựa nhiều hơn vào sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè trong bối cảnh thiếu vắng sự bảo trợ xã hội. Những công nhân nữ trẻ nhập cư từ nơi khác là đối tượng đặc biệt dễ chịu tác động.

Các diễn giả cũng trích dẫn những nghiên cứu phủ nhận lập luận cho rằng công nhân nữ khi mất việc làm có thể khắc phục được tình trạng này bằng những công việc phi chính thức, chẳng hạn như “nhặt rác”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng số lượng ngày càng tăng nam giới và phụ nữ trong lĩnh vực phi chính thức đang phải cạnh tranh với nhau để có được một phần nhỏ hơn của một chiếc bánh đang bị thu hẹp dần và phụ nữ thường bị hất ra ngoài.

Cuộc hội thảo khu vực kéo dài ba ngày về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với tình trạng nghèo đói và phát triển bền vững được đồng tổ chức bởi Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Ban Thư ký ASEAN và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Hội thảo này được 10 đối tác phát triển khác đồng tài trợ. Khoảng 350 đại biểu đến từ 28 quốc gia, 25 tổ chức phát triển và đại sứ quán và 13 tổ chức phi chính phủ và tổ chức công đoàn đã tham dự hội thảo./.

Theo Trí Nhân (VOVNEWS.VN)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video