Phụ nữ lãnh đạo - Làn gió mới trên chính trường nhiều nước

10/03/2006
Năm 2006 sẽ là năm có nhiều phụ nữ giữ cương vị cao nhất tại nhiều quốc gia, thổi một làn gió mới vào chính trường nhiều nước.

Thế giới nhiều bất ổn dường như đang có một sự đổi ngôi, chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước từ nam giới sang phụ nữ. Phụ nữ yêu chuộng hòa bình hơn, quan tâm chăm lo người nghèo, trẻ em, tăng cường vai trò phụ nữ trong các hoạt động xã hội và chính trị của đất nước… và chống tham nhũng quyết liệt hơn.

  • Cuộc đổi ngôi ở Chile- thời kỳ của Bachelet

Ngày 11-3 tới đây, bà Michelle Bachelet chính thức nhậm chức tổng thống Chile, bắt đầu thời kỳ Bachelet với nhiều thay đổi ở đất nước này. Michelle Bachelet, ứng viên liên minh Đồng thuận, đại diện cho 4 đảng cánh tả đã đánh bại ứng cử viên nhà tỉ phú Sebastian Pinera và giành chiến thắng vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 1-2006. Việc đắc cử của bà được nhận định sẽ củng cố xu hướng thiên tả ở Mỹ Latinh, bà sẽ gia nhập hàng ngũ lãnh đạo cánh tả trong khu vực bao gồm tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống mới được bầu của Bolivia là Evo Morales.

Là bà mẹ độc thân của 3 người con ở đất nước vốn bảo thủ, bà vẫn được kính trọng. Bachelet đã sống sót qua nhà tù của chế độ độc tài Pinochet 30 năm trước. Sự trở lại của nền dân chủ Chile năm 1990 đã mở đường cho Bachelet tham gia chính trường. Kiến thức ngành y (bác sĩ nhi khoa) giúp bà bước vào Bộ Y tế.


Năm 1997, bà quyết định tăng cường học vấn ở lĩnh vực quan hệ quân sự – dân sự tại Học viện Quốc gia về chiến lược và Chính sách Chile. Sau đó bà tiếp tục theo học tại Cao đẳng Quốc phòng Liên Mỹ tại Washington (Mỹ). Năm 1998, bà tham gia Bộ Quốc phòng Chile với tư cách cố vấn cấp cao.


Tháng 3-2000 bà giữ chức Bộ trưởng Y tế trong chính phủ của Tổng thống Ricardo Lagos và tháng 1-2002 trở thành nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Chile và Mỹ Latinh.

Ở Mỹ Latinh, người ta cho Evita Perón là phụ nữ mẫu mực lãnh đạo đất nước những năm 1970, từ đó đã mở đường cho phụ nữ thâm nhập chính trường nhiều hơn. Còn Tổng thống Chile Ricardo Lagos nói: kết quả thắng cử của Bachelet là sự đổi thay văn hóa quan trọng ở Chile.


Bà Bachelet được dân yêu mến vì sự siêng năng, tính cách giản dị và dễ hòa đồng. Chương trình cải cách của bà được nhiều người ủng hộ, nổi bật là cam kết hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp (đã ở mức 10% năm 2005) và thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong thu nhập.

Bà cũng đề xuất một chương trình phúc lợi xã hội bảo đảm đủ dinh dưỡng cho trẻ em nghèo. Thực hiện “cải cách về giới tính”, thành lập nội các mới gồm 20 người, bà đã chỉ định 10 nữ bộ trưởng. Lần đầu tiên có một nội các cân bằng như thế ở Tây bán cầu.

  • “Người đàn bà thép” của châu Phi

 Ảnh minh họa
Ngày 16-1 tại Monrovia, bà Ellen Johnson – Sirleaf, 67 tuổi, nhậm chức tổng thống Liberia, trở thành nữ tổng thống được bầu đầu tiên của Nam Phi. Trong cuộc bầu cử tháng 11-2005, bà đã giành được 59% số phiếu, vượt qua cựu ngôi sao bóng đá G. Weah. Là một nhà kinh tế và chính khách kỳ cựu, từng làm Giám đốc khu vực Vụ Các vấn đề châu Phi của chương trình phát triển LHQ (UNDP), Bộ trưởng Tài chính, chuyên viên cao cấp phụ trách các khoản vay của Ngân hàng thế giới… bà được mệnh danh “Người đàn bà thép”.

Trở thành tổng thống Liberia, bà Sirleaf được trông đợi khôi phục đất nước đổ nát sau 14 năm nội chiến, nâng cao mức sống người dân hiện dưới 1USD/ngày, hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp, tái hòa nhập hàng trăm ngàn cựïu chiến binh, trong đó có nhiều lính trẻ em … đồng thời chống nạn tham nhũng đang lan tràn.


Và “Người đàn bà thép” ngay đầu tháng 2-2006 đã sa thải Bộ trưởng Tài chính và 11 nhân viên của bộ này như một phần của chiến dịch chống tham nhũng. Bà Sirleaf nói bà hy vọng sẽ hành động hiệu quả, góp phần giúp phụ nữ tại Liberia nói riêng và phụ nữ trên toàn châu Phi nói chung có điều kiện tham gia công tác xã hội và các hoạt động chính trị trong nước.

Chiến thắng của Sirleaf cổ vũ phụ nữ châu lục đen rất nhiều. Mới đây, tại Jamaica, bà Portia Simpson Miller, một bộ trưởng, được bầu chủ tịch đảng, đồng thời trở thành thủ tướng. Danh sách phụ nữ đang giữ cương vị lãnh đạo các nước rất nhiều (Đức, Philippines, Sri Lanka, Bangladesh, Ireland,...).


Nhiều người được tín nhiệm, tái đắc cử, như tổng thống Phần Lan Tarja Halonen, nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 2 ngày 1-3, trở thành tổng thống duy nhất cầm quyền 2 nhiệm kỳ kể từ khi Luật bầu cử trực tiếp được áp dụng tại Phần Lan năm 1994, đồng thời là nữ tổng thống đầu tiên trên thế giới tái đắc cử. Helen Clark, thủ tướng New Zealand, tại cuộc bầu cử ngày 17-9-2005, đảng Lao động của bà giành chiến thắng và bà lại được tín nhiệm bầu làm thủ tướng.


Phụ nữ ngày càng khẳng định mình và tại nhiều cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra trong năm 2006 và các năm kế tiếp người ta sẽ còn thấy nhiều bóng hồng tươi tắn.

 

Lệ Thư
SGGP

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video