Phụ nữ Mông với mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống và tăng thu nhập

16/07/2015
Sản phẩm thổ cẩm của hội viên phụ nữ (Bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đang được quảng bá rộng rãi cho khách hàng trong và ngoài nước. Mô hình này vừa góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Đến với những bản người Mông ở vùng núi Mù Cang Chải, không khó để gặp hình ảnh những phụ nữ, những em bé Mông với quần áo sặc sỡ. Sự tinh tế được thể hiện trên từng đường thêu, mũi chỉ, sự pha trộn các màu sắc tự nhiên tạo nên những họa tiết tinh xảo là cả một quá trình cần mẫn trong lao động và trí tưởng tượng phong phú của phụ nữ Mông. Người Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu dệt trang phục. Vì vậy, trước khi về nhà chồng, cô gái Mông nào cũng phải chuẩn bị ít nhất vài bộ váy áo làm của hồi môn.

Với những mục đích và ý nghĩa trên, mô hình dệt thổ cẩm của hội viên phụ nữ Mông do Hội phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm CraftLink - Hà Nội được thành lập từ năm 2009 trên cơ sở phát huy khả năng chuyên môn của từng hội viên phụ nữ. Ban đầu, sau khi khảo sát sản phẩm thêu thổ cẩm truyền thống của phụ nữ người Mông, chỉ có một tổ thêu gồm 28 thành viên nhằm duy trì và phát triển nghề thủ công. Sau đó, Hội phụ nữ xã và Trung tâm CraftLink - Hà Nội tăng cường mở các lớp tập huấn về cách thêu, hoàn chỉnh mẫu mã để bán ra thị trường. Ngay trong năm 2009, tổ đã được công ty đặt hàng giá trị gần 20 triệu đồng và được mời tham gia hội chợ tại Hà Nội nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm thổ cẩm dân tộc Mông đến cộng đồng và khách du lịch.

Ngoài phối hợp với Trung tâm Craft Link, tổ thêu dệt thổ cẩm còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện mở một lớp cho hội viên học chuyên sâu về thêu dệt thổ cẩm, dệt khăn len, cải tiến mẫu mã để đáp ứng yêu cầu thị hiếu của khách hàng. Thông qua các chương trình và các lớp tập huấn, chị em phụ nữ đã được nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng tiếp cận thị trường. Đến nay thu nhập của hội viên từ 500.000 đồng đến 3.5 triệu đồng/người/lần giao hàng. Một điều vinh dự không nhỏ, tháng 1/2015 chị Hờ Thị Dê và chị Lù Thị Mú đã tham gia cuộc thi Sản phẩm sáng tạo do dự án giảm nghèo (WB) tại tỉnh Yên Bái tổ chức và đạt giải Nhất kèm theo phần thưởng 88,6 triệu đồng.

Chị Hờ Thị Dê, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, trưởng nhóm dệt thổ cẩm cho biết: “Sản phẩm của nhóm không chỉ dựa trên cơ sở kinh nghiệm truyền thống của người Mông mà còn được hội viên tìm tòi, cải tiến chất lượng và mẫu mã để đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng, vì đây là yếu tố quyết định sự phát triển của nghề dệt truyền thống. Hiện nay nhóm đã sản xuất được gần 20 mặt hàng và thông qua tổ chức Craft Link để quảng bá sản phẩm tại các hội trợ triển lãm, đến các đoàn khách du dịch quốc tế ưa thích sản phẩm thổ cẩm và đang từng bước tiếp cận thị trường. Sản xuất phát triển nhuận lợi, hội viên có thêm thu nhập, điều này góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo và duy trì nghề truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc Mông”.

Thông qua mô hình này, nhiều chị em trong xã và các xã trong huyện đã đến học tập làm theo, từ đó thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt hội, tiếp cận và chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương hội phát động.

Để mô hình này nhân rộng hơn nữa, trong thời gian tới cần tăng cường công tác tìm kiếm thị trường, liên kết với nhiều đối tác để tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó cần không ngừng cải tiến chất lượng mẫu mã của sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Hội Phụ nữ các địa bàn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống cũng cần nhiều hoạt động hỗ về vốn và kỹ thuật để tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Khi những giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc được bảo tồn, cái riêng được khẳng định giữa cái chung tiến bộ thì mục tiêu bình đẳng giới, ấm no hạnh phúc mới dễ dàng được thực hiện.

Thế Cường - Hội LHPN tỉnh Yên Bái

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video