Phụ nữ Mường Tè làm kinh tế

06/11/2020
Phụ nữ ở Mường Tè đang ngày càng khẳng định được vị thế, đó là do nhận thức thay đổi, biết vươn lên thay đổi cuộc sống.
Phụ nữ xã Vàng San (huyện Mường Tè) phát triển kinh tế gia đình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Tè có 16 cơ sở hội, 111 chi hội với 7.909 hội viên. Các cấp hội phụ nữ trong huyện thường xuyên tăng cường xuống các chi hội, hội viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp chị em xóa đói, giảm nghèo.

Chị Lò Thị Phương- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ: Không chỉ khó khăn về đường sá mỗi lần xuống cơ sở, chúng tôi còn gặp khó khăn hơn trong việc tuyên truyền vì trình độ nhận thức của chị em hạn chế, nhiều hủ tục. Do vậy, cán bộ hội tích cực bám cơ sở, vừa tuyên truyền vừa giúp đỡ hội viên trong tất cả công việc. Sau một thời gian, nhận thức chị em thay đổi, biết vươn lên thay đổi cuộc sống.

Khi nhận thức được cải thiện, chị em phụ nữ không còn rụt rè mà chịu khó đi khai hoang diện tích đất sản xuất, tham gia các họat động của bản. Trên những cánh đồng lúa, nương ngô, phụ nữ cùng chồng con đưa các giống cây lương thực có chất lượng vào gieo trồng, năng suất đạt từ 30-45 tạ/ha; có nơi như: Thu Lũm, Ka Lăng, năng suất lúa đạt trên 50 tạ/ha. Các chị em còn tích cực phát triển chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá, chú trọng phòng, chống dịch bệnh, nguồn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Vì vậy, đàn vật nuôi liên tục tăng kéo theo nguồn thu nhập phát triển. Chị Lý Thị Cương, bản Pa Ủ (xã Pa Ủ) tâm sự: “Cuộc sống của gia đình tôi trước đây gặp nhiều khó khăn, được chị em trong Hội LHPN xã động viên, tôi vay vốn mua mảnh đất đồi hơn 2ha để chăn nuôi, trồng trọt, tích cực học hỏi kiến thức ở các lớp dạy nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, cuộc sống gia đình đã khá hơn, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.

Không những vậy, Hội LHPN huyện còn đứng ra tín chấp với ngân hàng tạo điều kiện cho chị em vay vốn đầu tư sản xuất với số tiền trên 40 tỷ đồng. Hội còn liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức tạo điều kiện cho chị em khi vay vốn được mua con giống, cây trồng với giá ưu đãi. Ngoài ra, ở các chi hội thành lập quỹ tiết kiệm, mỗi hội viên đóng từ 5 - 10 nghìn đồng/tháng để hỗ trợ các hội viên gặp khó. Tình làng, nghĩa xóm được thể hiện khi chị em phụ nữ sẵn sàng bỏ vốn, ngày công, con giống giúp đỡ nhau. Chị Vàng Thị Lan, bản Pắc Pạ (xã Vàng San) chia sẻ: “Nhờ có chị em trong hội, chi hội định hướng, giúp đỡ, tôi không còn trông chờ vào các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tham gia học nghề để có kiến thức áp dụng vào phát triển kinh tế. Trong thời gian đầu tư sản xuất, chị em còn thường xuyên đến thăm hỏi, xem xét tình hình để giúp tôi sản xuất có hiệu quả. Đến nay, gia đình tôi có 20 con gia súc và hơn 100 con gia cầm, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm”.

Ngoài chăm lo phát triển kinh tế cùng gia đình, chị em phụ nữ trong huyện còn tích cực xây dựng đời sống văn hóa, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, giữ vững an ninh thôn bản, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Hiện nay, nhiều hội viên trở thành hộ khá được tuyên dương. Để cuộc sống hội viên từng bước đi lên, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, Hội tạo điều kiện cho chị em có cơ hội vay vốn, thành lập các quỹ tiết kiệm; phối hợp với các cấp, các ngành triển khai các mô hình kinh tế cho phụ nữ; tổ chức các đợt tham quan, học hỏi lẫn nhau - Chị Phương Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết thêm.

Phụ nữ ở Mường Tè đang ngày càng khẳng định được vị thế, đó là sự nỗ lực của bản thân. Tin rằng, chị em đồng bào các dân tộc sẽ luôn cố gắng để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

baolaichau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video