Phụ nữ - Người gieo mầm xanh hòa bình

05/10/2015
Phụ nữ, hòa bình và phát triển có mối liên hệ qua lại, mật thiết với nhau. Phụ nữ là người kiến tạo, xây đắp hòa bình; còn hòa bình là môi trường để quốc gia, trong đó có phụ nữ phát triển. Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng là mục tiêu phát triển của hầu hết các quốc gia. Với tinh thần đó, Diễn đàn Phụ nữ, Hòa bình và Phát triển do Hội LHPNVN tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/10/2015 tại Hà Nội sẽ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm trong phong trào phụ nữ, là cầu nối góp phần tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa phụ nữ các nước vì mục tiêu “Bình đẳng, Phát triển và Hoà bình”.

Bàn thảo các vấn đề nóng

Đây là lần đầu tiên Hội LHPNVN tổ chức Diễn đàn về một chủ đề đang được thế giới quan tâm và được bàn thảo tại nhiều sự kiện quốc tế, trong đó có Chương trình Nghị sự phát triển đến năm 2030 mới được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua ngày 25/9/2015. Diễn đàn gồm 3 phiên: Phiên toàn thể; Hội thảo Phụ nữ và Hòa bình-an ninh; Hội thảo Phụ nữ và Phát triển.

Tại phiên toàn thể, các đại biểu sẽ có cơ hội tìm hiểu về “Hành trình vì bình đẳng giới” với các dấu

Tại phiên họp Hội nghị Thượng đỉnh LHQ để thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững ngày 25/9/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: “Hòa bình và phát triển luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Các mục tiêu SDGs không thể trở thành hiện thực trong điều kiện chiến tranh, xung đột và bất ổn. Chúng ta chỉ tập trung được mọi nguồn lực cần thiết cho phát triển trong môi trường hòa bình, ổn định”.

mốc quan trọng đối với phụ nữ như ngày quốc tế phụ nữ lần thứ nhất đến các Hội nghị Thế giới về Phụ nữ, hội thảo, công ước quốc tế về phụ nữ... Phiên toàn thể còn cung cấp những thông tin tổng quan về tình hình thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh (CLHĐBK) ở cấp độ toàn cầu. Phiên họp là nơi để các đại biểu chia sẻ thành tựu, thách thức, bài học kinh nghiệm trong 20 năm thực hiện CLHĐBK ở các nước cũng như đề xuất chính sách đối với các nhà lãnh đạo quốc gia và quốc tế. Phiên họp còn đề cập đến 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) sau năm 2015, trong đó ngoài một mục tiêu riêng về bình đẳng giới, vấn đề giới và công bằng xã hội được lồng ghép vào tất cả các mục tiêu.

Cũng tại phiên họp này, các đại biểu sẽ hiểu hơn về tình hình phụ nữ Việt Nam và tiến bộ bình đẳng giới ở Việt Nam sau 20 năm thực hiện CLHĐBK và 15 năm thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như vai trò của Hội LHPNVN trong tham gia thực hiện các văn kiện quốc tế quan trọng này, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Hòa bình-an ninh song hành cùng phát triển

Phụ nữ là nạn nhân của chiến tranh, xung đột, bạo lực; tuy nhiên phụ nữ cũng là người tham gia tích cực và hiệu quả trong các nỗ lực xây dựng và gìn giữ hòa bình, được cộng đồng quốc tế thừa nhận với nhiều phong trào phụ nữ thế giới đấu tranh vì hòa bình và nhiều gương phụ nữ đạt giải thưởng Nobel vì Hòa bình. Nhiều năm qua, LHQ luôn khẳng định tầm quan trọng của phụ nữ trong vai trò các “thiên sứ hòa bình” ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy an ninh quốc tế. Sau nghị quyết 1325 (2000), Nghị quyết 1820 (2008), Nghị quyết 1888 và 1889 (2009), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2122 năm 2013 với cam kết hỗ trợ phụ nữ ra quyết định, lãnh đạo và tham gia giải quyết xung đột, tham gia các tiến trình hòa bình và xây dựng hoà bình, giải quyết xung đột, tái thiết sau chiến tranh và xây dựng nền văn hóa vì hòa bình - nền văn hóa trong đó đánh giá đúng vai trò, đóng góp của phụ nữ và tôn trọng quyền phụ nữ. Chính trong thông điệp gửi Hội nghị về giới và tiến bộ của phụ nữ tổ chức tại Brussel (Bỉ) năm 2010, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định phụ nữ là “đối tác không thể thay thế” trong tất cả các lĩnh vực gìn giữ, kiến tạo và củng cố hòa bình, từ hòa giải đến phục hồi kinh tế và đoàn kết xã hội.

Với tinh thần đó, trong khuôn khổ Diễn đàn, Hội thảo Phụ nữ và Hòa bình – An ninh tập trung vào các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đối với phụ nữ, vai trò của phụ nữ trong xây dựng và gìn giữ hòa bình, đặc biệt trong xây dựng nền văn hóa vì hòa bình cũng như kinh nghiệm của phong trào phụ nữ quốc gia, khu vực và quốc tế trong vấn đề này. Ngoài ra, hội thảo cũng là dịp để các đại biểu đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy hòa bình và an ninh một cách có nhạy cảm giới. Bạn bè quốc tế có cơ hội hiểu hơn về phong trào xây dựng và gìn giữ hoà bình của phụ nữ Việt Nam: Tham gia chiến đấu, sản xuất; tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên cương; phòng chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ-trẻ em; đoàn kết quốc tế và đóng góp vào phong trào chung của phụ nữ thế giới vì hòa bình, bình đẳng giới và phát triển...

Tại Hội thảo Phụ nữ và Phát triển, các đại biểu sẽ thảo luận về thách thức với phụ nữ trong phát triển; các chính sách và sáng kiến đảm bảo sự tham gia bình đẳng và hiệu quả của phụ nữ trong các lĩnh vực, nhất là trong kinh tế và tham gia chính trị. Ngoài ra, đây là dịp để chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ trong phát triển, đưa ra các khuyến nghị chính sách phát triển phụ nữ góp phần thực hiện các Mục tiêu SDGs sau 2015.

Diễn đàn sẽ ra Lời kêu gọi phụ nữ và nhân dân toàn thế giới chung tay gìn giữ và xây đắp hòa bình, thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống vì mục tiêu “Bình đẳng, Phát triển và Hoà bình” như Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh đã đề ra và được tái khẳng định trong các Mục tiêu SDGs.

Theo: Báo PNVN (TS)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video