Phụ nữ Ninh Quới thoát nghèo từ mô hình “nuôi cá lóc mùng”

24/11/2009
Xã Ninh Quới – huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu là xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, đời sống của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng còn nghèo. Toàn xã có 665 hộ nghèo chiếm tỉ lệ 28%, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ là 153 hộ, chiếm tỉ lệ 23%, so với tổng số hộ nghèo trong toàn xã. Ngoài việc phát triển 2 vụ lúa một năm, Ninh Quới chưa phát triển nhiều nghề phụ do đó tỷ lệ thời gian nông nhàn của phụ nữ ở đây còn lớn.

Để góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo ở địa phương, từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ninh Quới ngày đêm trăn trở để tìm ra những mô hình làm ăn mới nhằm giúp cho chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Tận dụng lợi thế nhiều sông, ngòi, Hội phụ nữ xã đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới, đó là mô hình “nuôi cá lóc mùng”.

Với mô hình này, mỗi hộ có thể tận dụng diện tích khoảng 4 mét vuông mặt nước sông trước cửa nhà để nuôi cá, vốn đầu tư ban đầu rất ít, chỉ từ 500 ngàn đến hơn 1 triệu đồng để làm mùng và mua cá giống. Khi nuôi, tỉ lệ hao hụt thấp không đáng kể, thời gian thu hoạch ngắn. Thức ăn chủ yếu là ốc bươu vàng, loại thức ăn sẵn có tại địa phương. Chỉ sau 3 tháng đầu tư, trừ đi các khoản chi phí, các chị còn lời gần 10 triệu đồng/4 m2 mặt nước.

Ban đầu khi mới phát động mô hình, chỉ có vài hộ đăng ký thực hiện, đến nay toàn xã đã có trên 50% hộ gia đình tham gia thực hiện. Thực tế cho thấy, ở xã Ninh Quới hiện nay, ngoài mô hình “nuôi cá lóc mùng” còn có nhiều mô hình làm ăn khác như: “nuôi ếch mùng”; “nuôi cá thác lác cườm”…. đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho chị em phụ nữ trong xã, từ đó tạo động lực thúc đẩy chị em hăng hái đăng ký thực hiện. Những mô hình làm ăn mang hiệu quả kinh tế như thế này đã giúp phụ nữ xã Ninh Quới góp phần giải quyết công ăn việc làm trong lúc nông nhàn, có thêm thu nhập, bớt khó khăn trong cuộc sống.

Cũng nhờ mô hình này, năm 2009 đã có 213 hộ nghèo, trong đó có 60 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Thanh Bình (Hội LHPN Tỉnh Bạc Liêu)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video