Phụ nữ nông thôn Sóc Trăng không lo thất nghiệp nhờ... thắt lông mi giả

13/09/2019
Khởi xướng mô hình thắt lông mi giả, chị Lê Thị Mỹ Linh trú tại ấp Hòa Trung, xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên) đã tìm được cho mình hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Nghề này không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị mà còn tạo việc làm cho các chị em phụ nữ nội trợ, có thời gian nhàn rỗi trên địa bàn.

Chị Trương Thị Ý - Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tú 1 cho biết: “Làm nghề này vừa có thu nhập lại có thời gian chăm sóc gia đình, có thể nói là nghề phụ nhưng rất hiệu quả. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nhất là đối với chị em phụ nữ nông thôn. Đặc biệt, nghề này có thể tự làm ở nhà nên hội cũng chọn đây là mô hình điểm để thời gian tới nhân rộng ra các chi, tổ hội trên địa bàn”.

Không như chúng tôi hình dung, hóa ra nghề thắt lông mi giả ở đây chẳng có dây chuyền, thiết bị công nghệ gì, mọi thứ gần như được làm thủ công. Khi thắt lông mi, từng sợi hoặc từng đôi tóc được xếp lại và buộc rút vào một sợi chỉ, sau đó quét qua lớp keo mỏng, giữ chắc mối thắt. Lông mi có loại dài, ngắn hoặc thưa, dày tùy theo yêu cầu của khách hàng. Công đoạn thắt chỉ là công đoạn đầu tiên, để được chiếc lông mi hoàn chỉnh, phải thực hiện tiếp các công đoạn như: cắt, ngâm, uốn cong, sấy, cắt, tỉa...

Tại nhà chị Linh, mọi người vừa làm vừa nói cười rôm rả, những chị thạo nghề thì được thực hiện những công đoạn cuối để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Hầu hết các chị em là cùng xóm, ấp, cũng có một số chị ở các xã lân cận. Tiền công mỗi người được nhận bình quân từ 2,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng, còn những chị làm “sản phẩm thô”, tức là chỉ làm khâu thắt lông mi thì thu nhập ít hơn, chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng.

Là người đầu tiên đưa mô hình này về địa phương và giúp cho nhiều chị em có việc làm ổn định, chị Linh chia sẻ: “Nghề thắt lông mi giả này tôi học được từ một người em bà con, sau đó về làm thử thấy được nên cũng chỉ lại cho các chị em trong xóm cùng làm. Thắt lông mi giả tuy không khó nhưng đòi hỏi người làm phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và chịu khó thì mới làm được”. Được biết, lúc đầu chị Linh cũng gặp nhiều khó khăn như nguồn vốn để sản xuất, tìm mối đầu ra tiêu thụ, nhưng với sự siêng năng, tinh thần ham học hỏi, chị Linh đã tự tìm được đầu ra cho sản phẩm, chị trực tiếp đứng ra ký hợp đồng gia công lông mi giả với một cơ sở ở Bình Dương.

Ban đầu hoạt động cũng còn nhỏ lẻ, với 22 chị tham gia, đến năm 2017 chị được vay số vốn 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của Hội LHPN tỉnh, chị dùng số vốn mua thêm nguyên liệu và mở rộng quy mô. Đến nay, nghề làm lông mi giả đã trở nên quen thuộc đối với chị em phụ nữ. Mô hình này hiện đang thu hút trên 200 lao động nữ trong và ngoài xã tham gia. Phần lớn các chị là phụ nữ trung niên hoặc có con nhỏ phải đưa rước con đi học hàng ngày nên nhận hàng về làm tại nhà, góp phần giúp các chị ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Thắt lông mi giả này cũng dễ học, ai học nhanh thì khoảng vài ngày hoặc 1 tuần có thể làm được, vừa học, vừa làm là quen nghề, công việc cũng nhẹ nhàng, thu nhập ổn định. Tôi vừa làm vừa đưa rước con đi học, bình quân 1 tháng tôi cũng kiếm được gần 3 triệu đồng, cũng có tiền mua sữa cho con và mua sắm trong gia đình”. Công việc làm lông mi giả đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao, chị Linh còn nhiệt tình hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm để các chị làm được nhiều sản phẩm và sản phẩm ngày càng đẹp hơn. Bình quân mỗi tuần sẽ giao hàng một đợt, mỗi lần xuất đi từ 30.000 đến 35.000 cặp mi giả.

Từ ngày thành lập đến nay, mô hình thắt lông mi giả đã giúp được cho chị em là hộ nghèo có việc làm và thu nhập ổn định. Có thể nói, nghề này không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ, mà còn thay đổi cách nghĩ về hướng thoát nghèo cho nhiều phụ nữ nông thôn. Được biết, chị Linh hiện đang tiếp tục mở rộng quy mô, mục đích là phát triển kinh tế gia đình và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, nhất là chị em phụ nữ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

baosoctrang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video