Phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0

26/12/2019
Với nhiều người, cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội lớn. Nhưng với phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, đây lại là một thách thức, đòi hỏi chị em phải thay đổi, học tập và nỗ lực hơn để có cơ hội tìm được việc làm tốt.
Phụ nữ nông thôn cần thời gian và chiến lược hỗ trợ để tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại

Việc làm cho phụ nữ nông thôn, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn là mối quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức và các cấp hội phụ nữ. Ngày 26/12/2019, Hội thảo về vấn đề này đã được Viện chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Viện CS & CL PTNNNT) tổ chức tại Hà Nội.

Các đại biểu đến từ Viện CS & CL PTNNNT, Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thảo luận về cơ hội và thách thức trong vấn đề việc làm cho phụ nữ.

Hội thảo Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội và thách thức

Khoa học công nghệ phát triển cần số lượng lao động ít hơn, nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn. Đây là một thách thức lớn với lao động nữ.

Nhìn nhận về khó khăn chị em đang phải đối diện, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu Thị trường & Ngành hàng, Viện CS & CL PTNNNT cho biết:

Hiện nay, lao động nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung nhiều ở các ngành nghề như: chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử, may mặc, giày da… Nhưng sự phát triển của khoa học công nghệ, tự động hóa như hiện nay đã đe dọa trực tiếp đến cơ hội việc làm cho phụ nữ. Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thách thức lớn đối với lao động nữ ở nông thôn. Để có việc làm, chị em cần được hỗ trợ chuyển dịch từ lao động nông nghiệp nông thôn sang lĩnh vực khác. Đồng thời, phải chuyển đổi từ lao động giản đơn, kỹ thuật thấp sang lao động năng suất, yêu cầu cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu Thị trường & Ngành hàng, Viện CS & CL PTNNNT chia sẻ tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre cho biết: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều nguy cơ mất việc làm cho chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn. Một ví dụ dễ nhận ra là, sự phát triển của bán hàng online và các siêu thị, trung tâm thương mại đang cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống. Mà đây lại là nơi lao động phụ nữ chiếm lực lượng lớn, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của chị em.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng ban Kinh tế, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho chị em. Cụ thể như: tổ chức các lớp sử dụng công cụ số để thúc đẩy kinh doanh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp… Tuy nhiên, cần có thời gian để chị em được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, để làm quen với kiến thức mới.

Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng được các cấp hội phụ nữ triển khai, mang đến cho chị em phụ nữ cơ hội tiếp cận việc làm, bình đẳng trong kinh doanh, nâng cao quyền năng phát triển kinh tế.

Để tháo gỡ những khó khăn này, theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, cần có những đề án hỗ trợ chị em chuyển dịch lao động, kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Song song đó, cần có những chiến lược dài hơi để lao động nữ trẻ, các bé gái nhìn nhận, thay đổi định kiến với các ngành nghề. Từ đó, lao động nữ có thể tham gia vào các công việc liên quan đến khoa học kỹ thuật, kỹ thuật số…

 

Theo số liệu năm 2016, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ lao động nữ chiếm 65,7%. Thu nhập bình quân là 1,43 triệu đồng/năm. Số giờ lao động trung bình 39,1 giờ/tuần. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật của vùng cũng thấp nhất so với cả nước. Trong đó, lao động nữ ở khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ khá lớn.

 

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video