Phụ nữ Quảng Nam tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo

12/11/2013
Nhiều sản phẩm sáng tạo của chị em phụ nữ Quảng Nam gửi về tham gia hoạt động “Ngày phụ nữ sáng tạo 2013” nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20.10.2013

Sáng tạo vì cộng đồng

Chị Võ Thị Chút (thôn 9, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) đã lăn lộn, mưu sinh với rất nhiều nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá lên. Cuộc sống thuần nông khiến mỗi lần con cần tiền nộp học phí, đau ốm khiến chị trăn trở. Nhưng rồi, với sự năng động của mình, chị đã tìm ra “đường thoát” không chỉ cho bản thân mà nhiều chị em cùng cảnh ngộ. Xuất phát từ thực tế Tiên Phước là vùng đất của cây quế, một loại nguyên liệu, dược liệu quý hiếm, rất có giá trị nhưng đang mai một dần. Sau khi tìm hiểu, chị Chút quyết định đầu tư máy móc thiết bị để xay quế thành bột. Cành và lá quế trước không có giá trị gì nhiều, người dân thường bỏ đi hoặc đem đốt. Từ ngày có sáng kiến của chị, lá quế đã được người dân trong vùng thu gom và đem đến xay thành bột dùng làm hương; cành quế thì xắt ra làm thuốc bắc chữa bệnh. Sản phẩm được tiêu thụ trên nhiều thị trường lớn như TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… “Ngày đầu, chúng tôi chỉ xuất được 200 - 300 tấn bột/năm nhưng nay đã tăng lên 500 tấn. Lãi ròng trong năm khoảng 400 triệu đồng, không chỉ cải thiện đời sống kinh tế gia đình mà tôi đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 16 chị em phụ nữ với mức thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/tháng” - chị Chút cho biết. Ngoài ra, hàng trăm lao động nhàn rỗi là người già, trẻ em… cũng có thêm việc làm là nhặt lá quế rơi rụng đem bán cho chị Chút với giá 2.500 - 4.000 đồng/kg. Niềm vui lớn của người phụ nữ tên Chút không chỉ là cải thiện sinh kế cho người dân mà còn tìm được đầu ra cho cây quế vốn đang trong giai đoạn khó khăn.

Sản phẩm sáng tạo của chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) cũng là một hoạt động kinh tế hữu ích. Trước đây, lông gà vịt thường đem đổ đi, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Nhưng nay, chị Thanh đứng ra thu gom đem về xử lý rồi xuất khẩu. Không chỉ giải quyết bài toán kinh tế cho bản thân và cho hơn chục chị em phụ nữ trong thôn với thu nhập trung bình từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng, chị Thanh còn góp phần không nhỏ trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nông thôn. Sản phẩm sáng tạo của chị Nguyễn Thị Diệu Trâm (thôn Vân Trai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) cũng lần đầu tiên được biết đến. Khi nắm được thông tin khách hàng nước ngoài rất thích món ốc đông lạnh trong khi nguồn ốc ở Quảng Nam khá dồi dào, chị Diệu Trâm quyết định đầu tư máy móc, công nghệ làm sản phẩm riêng biệt. Sản phẩm ốc của chị đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động nữ khuyết tật, không có việc làm ở độ tuổi 50 trở lên. “Tính sáng tạo của sản phẩm ở chỗ từ loại ốc sống dưới sông, người dân chỉ biết cào đem về nung thành vôi phục vụ cho nông, ngư nghiệp, giờ được sơ chế thành sản phẩm hàng thủy sản xuất khẩu” - chị Trâm tự hào nói.

Khơi tiềm năng sáng tạo

Có một điểm chung trong 28 ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ là hỗ trợ phụ nữ hòa nhập và vươn lên trong cộng đồng. Mỗi sản phẩm đều có chức năng riêng biệt như giúp phụ nữ yếu thế và nghèo, phụ nữ vùng cao cải  thiện đời sống và nâng cao quyền năng kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Ngoài những ý tưởng và sản phẩm đã thực hiện cụ thể như bột quế và quế phiến của chị Võ Thị Chút, sản phẩm dệt thổ cẩm của chị Nguyễn Thị Hảo (thôn 3 xã Ba, Đông Giang), vật dụng sử dụng trong gia đình từ mây tre của chị Nguyễn Thị Quý (Hợp tác xã Mây tre đan xã Quế Thọ, thôn Hóa Trung, Quế Thọ, Hiệp Đức)… còn có khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong giáo dục hay nhiều điển hình tham chính. Trong lĩnh vực khoa học giáo dục, có một số công trình tiêu biểu như nghiên cứu kiểm thử bảo mật website của chị Lê Thị Thùy Trâm (Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin truyền thông), nghiên cứu tính đa dạng về phân loại cá và tình hình khai thác nguồn lợi thủy sản ở hồ chứa nước Phú Ninh của chị Vũ Thị Phương Anh (trường Đại học Quảng Nam); Điển hình tham chính có sản phẩm phát triển nghề truyền thống gắn với thúc đẩy bình đẳng giới của chị Bling Thị Treng (nhóm dệt thổ cẩm Tà Lu, huyện Đông Giang)…

Do triển khai trong thời gian gấp gáp và bị tác động của nhiều yếu tố khách quan nên hội thi sản phẩm sáng tạo vẫn chưa thực sự thu hút được đông đảo chị em phụ nữ tham gia, chưa khơi hết được sức mạnh và tính năng động linh hoạt trong phụ nữ Quảng Nam. Đó là một trong những điều đáng tiếc của sản phẩm sáng tạo năm 2013. Bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo đã tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ ở địa phương và có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc. Hội thi đã đưa đến mọi người thông điệp vì sức khỏe cộng đồng, môi trường xanh. Các sản phẩm phụ nữ sáng tạo sẽ góp phần khuyến khích và thúc đẩy tính năng động, linh hoạt tiềm tàng trong chị em, góp phần tăng quyền và nâng cao năng lực kinh tế của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đẩy lùi khoảng cách giới trong các lĩnh vực nghề nghiệp, tiền lương, tạo ra tiềm lực thay đổi cuộc sống”.

quangnam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video