Phụ nữ Quảng Trị góp phần mang thương hiệu quê hương đến với mọi miền

13/06/2022
Được sản xuất từ chính những nguyên, vật liệu có sẵn tại địa phương, đảm bảo an toàn, chất lượng và được chứng nhận sản phẩm OCOP, những sản vật của Quảng Trị như bánh quy tinh bột nghệ, tinh bột ngô, bánh tét mặt trăng Đại An Khê hay bột gừng sấy lạnh Trần Lan đã dần có được lòng tin của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm bột gừng sấy lạnh Trần Lan - Ảnh: Trúc Phương

Để góp phần mang thương hiệu quê hương đến với mọi miền, các chị Nguyễn Thị Anh Đào, Trần Thị Lan và Hoàng Thị Kim Cúc – những người đã sáng tạo, sản xuất ra các sản phẩm trên đã không ngừng lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ.

“Tôi muốn sáng tạo sản phẩm từ những nguyên liệu do người nông dân mình làm ra”

Đó là những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Anh Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Dung Quảng Trị (Vĩnh Linh). Là một người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, hơn ai hết, chị Đào hiểu được nỗi vất người nông dân. Thế nên từ khi thành lập công ty cho đến thời điểm hiện tại, chị vẫn luôn nỗ lực sáng tạo, đổi mới không ngừng để làm thay đổi cách thức sản xuất, chăn nuôi truyền thống, giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ năm 2020 do những ảnh hưởng nặng nề của COVID – 19 và dịch tả lợn Châu Phi, việc kinh doanh của công ty chị Đào gặp nhiều khó khăn. Các đơn hàng bị ngừng trệ, thị trường tiêu thụ hàng hóa không có, đời sống của người nông dân vì vậy mà bị ảnh hưởng theo. Trước tình hình đó, thay vì ngồi yên chờ đợi, người phụ nữ tài năng này đã sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. “Dịch bệnh xảy ra khiến thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp lại, cuộc sống của mọi người gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở có sẵn nguyên liệu là tinh bột nghệ đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, tôi đã nghĩ sao không thử sản xuất một loại bánh từ nguyên liệu này. Và bánh quy tinh bột nghệ đã ra đời như vậy”.

Chị cho biết thêm: “Từ thành công của bánh quy tinh bột nghệ, tôi tiếp tục sản xuất bánh quy tinh bột ngô. Bởi ngô rất dễ tìm, do chính người dân mình làm ra nên không bao giờ lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu”. Chị cho hay, để làm ra những mẻ bánh ngon, chị đã đầu tư trang thiết bị, máy móc cũng như mất nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu. Bánh các loại do Công ty TNHH MTV Hùng Dung Quảng Trị sản xuất vừa thơm ngon, lại không bị ngọt, ngấy, được khách hàng vô cùng ưa chuộng. Sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và chỉ tính riêng trong năm 2021, công ty của chị đã sản xuất trên 8 tấn bánh, mang thương hiệu bánh quy tinh bột nghệ, tinh bột ngô Quảng Trị đến khắp mọi nơi đồng thời giải quyết việc làm cho trên dưới 5 lao động tại địa phương. Chị Đào tâm sự, bây giờ nhìn thấy nông sản nào do người nông dân mình làm ra, chị cũng đều muốn “biến hóa” trở thành một món bánh mới để cung ứng ra thị trường. “Tôi muốn mình có sức khỏe để tiếp tục sáng tạo, giúp người nông dân quê hương bớt nhọc nhằn”, chị Đào bộc bạch.

Bánh tét mặt trăng Đại An Khê được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến - Ảnh: P.V.T

Phát triển sản phẩm truyền thống của quê hương

Từ lâu, bánh tét mặt trăng Đại An Khê được người dân Quảng Trị nói riêng và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung biết đến bởi chính hình thức, hương vị vô cùng đặc trưng. Chị Hoàng Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng cho biết, đây là sản phẩm từ nghề truyền thống đã được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Thời gian qua, bánh tét mặt trăng Đại An Khê đã được cấp chứng nhận thương hiệu đạt chuẩn OCOP 3 sao và được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Bánh tét mặt trăng Đại An Khê không tròn vạnh mà có hình bán nguyệt. Khi đem nấu, người ta cột hai chiếc bánh lại với nhau, có đôi, có cặp. Khi cắt bánh tét mặt trăng ra, ấn tượng đầu tiên là sắc xanh của nếp bao quanh màu vàng óng của đậu khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh mảnh trăng treo trên bức phông nền màu xanh no ấm.

Theo những bậc cao niên ở làng Đại An Khê, chiếc bánh chính là sự gửi gắm thông điệp về một miền quê thanh bình, yên ả. Người làm bánh ở làng Đại An Khê chú ý chọn rau ngót tươi xanh, xay nhuyễn lấy nước, rồi trộn với nếp trắng do chính tay mình gieo trồng. Không chỉ mang lại màu sắc như ý, lá ngót còn giúp bánh dẻo thơm, có thêm chất dinh dưỡng. Tùy vào sở thích cũng như khẩu vị của người thưởng thức mà nhân bánh được làm từ nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau như đậu xanh, thịt heo ba chỉ... Chị Cúc cho biết: Trung bình mỗi năm, riêng về bánh tét mặt trăng, tổ sản xuất làm ra trên dưới 110 ngàn đòn với giá bán dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/đòn. Qua đó tạo việc làm thường xuyên cho 80 – 100 lao động với mức thu nhập bình quân 150 triệu đồng/hộ. “May mắn là trong năm qua, chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường, tăng số lượng sản xuất để đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng”, chị Cúc khẳng định.  

Chị Anh Đào bên mẻ bánh quy tinh bột nghệ mới ra lò - Ảnh: Trúc Phương

Đặt sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu

Cơ sở sản xuất chế biến nông sản sạch Trần Lan (Triệu Phong) do chị Trần Thị Lan làm chủ đang sản xuất, chế biến và kinh doanh 12 sản phẩm làm từ nông sản sạch, trong đó có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP bao gồm: bánh cốm gạo lứt, bột gừng sấy lạnh và ngũ cốc cao cấp. Nói về cơ duyên sản xuất bột gừng sấy lạnh, chị Lan cho hay, từ cuối năm 2019, khi dịch bệnh COVID - 19 vừa mới bùng phát, chị đã đặt mua gừng về sử dụng trong gia đình để giải cảm, trị ho, làm ấm cơ thể... Nhưng gừng mua về nhiều không sử dụng kịp lại nhanh hỏng. Thế là chị đã nghĩ ra cách sấy lạnh để bảo quản gừng được lâu hơn. Sau này, ngày càng nhiều người hỏi mua, nên chị Lan đã nhập số lượng lớn gừng từ các huyện miền núi Hướng Hóa, Gio Linh về để làm bột sấy lạnh, bán ra thị trường. So với các sản phẩm cùng loại, bột gừng của cơ sở Trần Lan giữ được nguyên màu sắc của gừng ta, đặc biệt sánh mịn và được kiểm định chất lượng từ các cơ quan có thẩm quyền nên được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.

Chị Lan cho biết, bột gừng sấy lạnh có rất nhiều công dụng khác nhau. Bên cạnh việc làm ấm cơ thể trong mùa dịch như đã nói ở trên, bột gừng cũng được dùng để làm gia vị hoặc dùng để ngâm chân giúp ngủ ngon. “Thật may mắn khi bột gừng nói riêng và các sản phẩm chế biến từ nông sản sạch nói chung luôn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của khách hàng. Mục tiêu cao nhất của chúng tôi chính là mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng”, chị Lan nói.

Những cơ sở sản xuất, chế biến nông sản sạch như của các chị Anh Đào, chị Trần Lan hay tổ làm bánh tét Mặt Trăng Đại An Khê không chỉ góp phần thu mua số lượng lớn nông sản do bà con nông dân trong tỉnh sản xuất mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương, xây dựng, phát triển và đưa thương hiệu sản vật địa phương đến ngày càng rộng rãi với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Trúc Phương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video