Phụ nữ Sóc Trăng với cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975

13/04/2007
Cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc cuộc đấu tranh anh dũng, nhưng đầy gian khổ hy sinh của 21 năm đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Sóc Trăng nói riêng đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử này.

Trong những ngày tháng 3 đầu tháng 4/1975, công việc chuẩn bị nổi dậy cướp chính quyền đã được phụ nữ Sóc Trăng chuẩn bị chu đáo. Đồng chí Nguyễn Thị Hường (Bảy Tiến) lúc này là Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội PN Sóc Trăng phát động trong toàn thể chị em thực hiện phong trào thi đua 5 tốt, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Từng cán bộ nữ được phân công phụ trách địa bàn, cơ sở và lãnh đạo quần chúng chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men, tổ chức các trạm cứu thương, các điểm may cờ, vận chuyển phân phối truyền đơn, cất giấu, bảo quản vũ khí chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa.

 

Một bộ phận chị em cùng với gia đình binh sĩ đến tận các đồn bót kêu chồng, con, binh lính không thi hành lệnh chỉ huy, kêu gọi đào ngũ, làm binh biến. Chị em huyện Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị,... tổ chức những nhóm binh vận trực tiếp tuyên truyền giáo dục chính sách 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng nhằm lôi kéo binh lính đào ngũ. Chị em chuẩn bị sẳn phương tiện tàu, xuồng, xăng dầu, tiền bạc, áo quần may sẵn đưa binh sĩ về quê quán. Còn một số chị em còn đảm đương việc phục vụ tiếp tế, đưa rước cán bộ qua sông, tải thương, tải đạn, đào công sự, đắp đê, làm chướng ngại vật. Đây là lực lượng hậu cần tại chỗ với nhiệt tình cao và thông thạo địa hình, nắm tình hình địch ở hầu khắp các huyện: Long Phú, Kế Sách, Thạnh Trị…

 

Để sẳn sàng nổi dậy khởi nghĩa, điều vô cùng quan trọng là chuẩn bị lực lượng nổi dậy: thị xã Sóc Trăng là sào huyệt cuối cùng của địch trên chiến trường tỉnh nhà. Do đó, đòi hỏi phải có sự tập trung cao, chuẩn bị tốt cho bộ phận bên trong nổi dậy. Trong 3 khu vực nổi dậy của quần chúng đều bố trí cán bộ nữ phụ trách. Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Ủy viên Ban chỉ huy chiến dịch từ căn cứ rừng tràm Mỹ Phước vào nội ô gặp gỡ từng mũi nổi dậy của quần chúng để kiểm tra và giao nhiệm vụ cụ thể. Ở các vùng địch chiếm, ta tổ chức nhiều đội du kích mật là nữ và thành lập nhiều đội dân quân tự vệ nữ phục vụ trực tiếp cho chiến đấu.

 

Thấu hiểu ý nghĩa quyết định của trận chiến đấu này, chị em đã vận động, cổ vũ chồng con lên đường chiến đấu. Khí thế tòng quân đánh giặc lúc này sôi nổi hơn bao giờ hết. Ngay các đồng chí là cán bộ nữ được bố trí đi học ở Khu cũng được gọi về để dồn sức vào cuộc tổng tấn công. Mọi hoạt động, công tác lúc này đều tập trung cho chiến dịch.

 

Tình hình những ngày cuối tháng tư càng trở nên huyên náo. Chị em tự lo trữ gạo, muối, thực phẩm, giá cả tăng vọt từng giờ. Những gia đình có con đi lính ở ngoại ô và vùng ven đua nhau đi tìm con em trong các đơn vị bảo an, dân vệ,... xe cộ ào ào chạy ngược chạy xuôi. Tối ngày 29/4, tất cả di chuyển vào mục tiêu đánh chiếm. Cuộc tổng tấn công nổi dậy giải phóng tỉnh Sóc Trăng bắt đầu. Trong lòng thị xã Sóc Trăng, các mũi nổi dậy khởi nghĩa đều có cán bộ nữ chỉ đạo. Đồng chí Trần Thị Hường cùng các đồng chí Đinh Thị Cẩm, Nguyễn Hồng Xinh, Nguyễn Thị Phú, Khấu Thị Thanh và các cán bộ hoạt động nội thành với 15 đội tự vệ mật đi khắp các đường phố, căng khẩu hiệu, treo cờ giải phóng, phát tán truyền đơn, kêu gọi quần chúng xuống đường truy bắt tàn quân địch. Tại khu vực Nhà Đèn, trường Nam, hai đồng chí nữ hoạt động hợp pháp chặn địch từ làng chiêu hồi Mã Tộc lên, chặn bọn tề ở xã Khánh Hưng ra.

 

Vui mừng trước giờ phút lịch sử trọng đại sắp đến, mọi người đã lao vào công việc với tài trí và sức lực phi thường. Các cơ sở chuẩn bị mọi yêu cầu phục vụ cho quần chúng nổi dậy. Khi tiếng súng tấn công của ta ở khu vực sân bay nổ rộ do tiểu Đoàn Phú Lợi 3 pháo kích, 4.000 chị en PN đã xuống đường trong khí thế xung thiên của cách mạng, các mũi nổi dậy đã nhất tề tung cơ sở an ninh lùng bắt ác ôn, treo cờ, băng lên nóc nhà, ngang đường phố và vận động binh sĩ buông súng đầu hàng. Đội quân tóc dài đã hỗ trợ cho bộ đội tiến đánh các mục tiêu quan trọng ở Thị xã. Tại trường Nam và một số mũi nổi dậy của PN, ta nhận sự đầu hàng và giao nộp vũ khí của bọn tề, ấp, phòng vệ dân sự,...

 

Ở khu vực nổi dậy ấp Khánh Hùng, Khánh Bình, đồng chí Năm Nhung phối hợp với bộ phận từ ngoài vào dùng lực lượng quần chúng tại chỗ bắt được tên Ngọc - phó trưởng ấp an ninh và dùng súng của phòng vệ dân sự tổ chức thành đội võ trang khống chế bọn tàn quân, kêu gọi bọn địch ở đồn Trà Men đầu hàng. Toàn bộ phía nội ô và vùng ven ta hoàn toàn làm chủ từ lúc trời sáng. Tất cả các khu vực dân sự, nội ngoại ô, vùng ven khi có tiếng súng tấn công của các lực lượng võ trang, thì cờ, băng, truyền đơn được chị em chuẩn bị sẵn từ trước, nay được tung ra, treo cao trên các nóc nhà, ngang lộ, truyền đơn tung ra hè phố,... đã làm cho bọn địch càng tan rã nhanh chóng.

 

Chiều ngày 30/4/1975, Thị xã Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng, hàng vạn quần chúng nội ô ra đường mang cờ hoa đến chào đoàn quân chiến thắng. Ở các huyện, PN cùng với lực lượng kháng chiến lần lượt giải phóng quận lỵ Long Phú, Đại Ngãi. Tại Hồ Đắc Kiện, gần 1.000 quần chúng PN, trong đó có 500 sư sãi Khmer tràn ra lấy một lúc 8 đồn bót địch, rồi kéo về bao vây chi khu Mỹ Tú, bắt được tên quận trưởng Mỹ Tú. Các đồng chí Sáu Lư, Tư Nữ, Hai Hóa đều tỏ ra xuất sắc trong chiến đấu. Ngày 1/5, chị em đã bao vây chi khu Ngã Năm, làm địch rất hoang mang, tên quận trưởng khiếp sợ đã phải tự tử. Các cô Tư Tình, Hai Viên đã phất cờ báo hiệu cho lực lượng vũ trang vào chiếm chi khu. Tại LongPhú, chị em đã vượt sông giải phóng thị tứ Đại Ngãi và phân chi khu Trà Cú. Các huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu,... lực lượng PN đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng vũ trang tấn công và nổi dậy nhanh chóng làm chủ toàn bộ các Thị trấn, Thị tứ cùng các vùng nông thông rộng lớn. Ngày 1/5/1975 tỉnh Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng, chị em nô nức trong niềm hân hoan của ngày chiến thắng.

 

 

 

 

 

 

Phạm Thị Trinh - Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video