Phụ nữ - tác nhân tạo nên sự thay đổi và rút ngắn khoảng cách về bất bình đẳng trong phòng, chống mua bán người

01/04/2021
Đó là chủ đề Hội thảo trực tuyến do ASEAN ACT tổ chức với sự tham dự của 400 đại biểu kết nối với điểm cầu của 7 nước trong khu vực ASEAN và diễn ra vào chiều ngày 31/3/2021, trong đó Việt Nam có 3 điểm cầu (trụ sở Hội LHPN Việt Nam, Cần Thơ và Học viện Cảnh sát Nhân dân).
Ba diễn giả tham gia hội thảo (hàng trên cùng): Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa (giữa), Bà Chuo Bun Eng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Phòng chống mua bán người, Cam-pu-chia (trái), Ông Ilias Chatzis, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (phải)

Hội thảo có sự tham góp của 3 diễn giả: Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Bà Chuo Bun Eng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Phòng chống mua bán người - Cam-pu-chia, Ông Ilias Chatzis, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm.

Ba diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phòng, chống tội phạm từ các góc độ xây dựng thể chế, chính sách và những hoạt động cụ thể trong phòng, chống mua bán người.

Trong đó, bài trình bày của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa được các đại biểu đánh giá cao qua việc nêu bật vai trò của lãnh đạo nữ và Hội LHPN Việt Nam thông qua các hoạt động thiết thực tham gia vào công tác phòng chống mua bán người (MBN) như: Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống MBN; giáo dục, vận động phụ nữ và trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống MBN; Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi MBN; Tư vấn và tham gia tư vấn về phòng, chống MBN; Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ giúp nạn nhân của MBN hòa nhập cộng đồng; Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống MBN; Tham gia xây dựng mạng lưới thông tin viên về phòng, chống MBN ở cơ sở.

Điểm cầu tại Học viện Cảnh sát Nhân dân (Việt Nam)

Bài trình bày đã đưa ra những việc làm mà Hội LHPN Việt Nam sẽ tập trung trong thời gian tới gồm:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, trong đó chú trọng hình thức truyền thông mới trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về MBN.

2. Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân (Ngôi nhà Bình yên tại 1 số tỉnh/thành, Trung tâm một điểm dừng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, nạn nhân của MBN,….)

3. Giám sát thực hiện pháp luật về phòng, chống MBN

4. Đề xuất chính sách/chương trình, đề án cho phụ nữ nhằm tăng năng lực, quyền năng cho phụ nữ, góp phần giảm thiểu tình trạng phụ nữ, trẻ em bị mua bán.

5. Kết nối, phối hợp, xây dựng mạng lưới với các tổ chức trong việc phòng, chống MBN.

Điểm cầu tại Cần Thơ- Việt Nam

Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, thông qua hội thảo các diễn giả cũng kêu gọi toàn thể mọi người hãy chung tay đấu tranh phòng, chống MBN.

Nguyễn Huyền, Ban TG TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video