Phụ nữ và cơ hội vươn cao

11/01/2016
Nhắc đến nữ ứng cử viên tổng thống, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay tới cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang chiếm nhiều ưu thế của đảng Dân chủ. Nhưng trong nhiều năm tới đây nữa, những bóng hồng trong cuộc đua tổng thống nói riêng và chính trường nói chung trên thế giới không chỉ có bà Clinton mà còn rất nhiều người phụ nữ khác cũng đang muốn chứng tỏ một điều rằng: phụ nữ có thể vươn tới mọi đỉnh cao.

Những con số biết nói

Mới đây, Liên Hợp Quốc đã ra mắt bản đồ “Phụ nữ trong chính trị 2015” tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Bản đồ thể hiện sự bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ vào chính trường trên toàn thế giới. Theo bản đồ mới nhất, hiện thế giới có 48 nước có tỷ lệ phụ nữ chiếm từ 30% trở lên trong ít nhất một viện quốc hội. Con số này cao nhất từ trước đến nay, tăng (dù với tốc độ chậm) so với 46 trong năm 2014 và 42 trong năm 2013.

Cơ quan Phụ nữ của Liên Hợp Quốc và Liên minh Nghị viện Thế giới nhận định tỷ lệ trung bình của nữ nghị sĩ đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay: trên 22%. Các nước châu Mỹ vẫn dẫn đầu với tỷ lệ trung bình về nữ nghị sĩ cao nhất: 26,4%. Trong đó, Bolivia có tỷ lệ cao nhất khu vực và xếp thứ hai trên thế giới với 53,1% nghị sĩ là nữ.

Xét về tỷ lệ phụ nữ là nguyên thủ quốc gia hoặc đứng đầu chính phủ, năm 2015 cũng là năm thế giới giành lại được con số đỉnh cao trước đó với 19 nước có phụ nữ đứng đầu chính phủ hoặc là nguyên thủ quốc gia. Phụ nữ chiếm 15,8% trong số những người làm Chủ tịch Quốc hội, tăng 1 điểm phần trăm so với năm 2014.

Xét về số nữ bộ trưởng, con số này tăng từ 670 lên 715 trong 12 tháng kể từ ngày 1/1/2014. Tỷ lệ nữ bộ trưởng tăng 3,5%, một tỷ lệ đáng khích lệ dù chưa được như mong đợi. Có 30 quốc gia có từ 30% nữ bộ trưởng trở lên, trong đó Canada, Phần Lan, Cabo Verde, Thụy Điển, Pháp và Liechtenstein chiếm các vị trí đầu bảng.

Làn sóng nữ ứng cử viên tổng thống

Để có thể ghi dấu ấn trên bản đồ chính trường thế giới, phụ nữ trong suốt thời gian qua đã phấn đấu không ngừng nghỉ để thể hiện tham vọng vươn lên, khẳng định vị thế, vai trò mới. Có thể nhắc tới bà Bidhya Devi Bhandari – người năm qua đã trở thành nữ Tổng thống thứ hai của Nepal. Bà là một chính trị gia đảng Cộng sản từ lâu đã đấu tranh không mệt mỏi cho quyền của phụ nữ. Bà đã làm nên lịch sử cho phụ nữ ở Nepal khi được Quốc hội bầu vào vị trí Tổng thống với 327 phiếu ủng hộ, nhiều hơn hẳn so với 214 phiếu của đối thủ là Chủ tịch Quốc hội o­nsari Gharti Magar.

Không được bầu vào ghế tổng thống như bà Bidhya Devi Bhandari ở Nepal nhưng nhiều phụ nữ cũng đã ghi dấu ấn khi trở thành nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên ở quốc gia mình. Điển hình là bà Anna Elisha Mghwire - nữ ứng cử viên duy nhất trong tổng tuyển cử năm 2015 ở Tanzania. Dù không thành công nhưng người phụ nữ này đã để lại ấn tượng sâu đậm trong cử tri Tanzania với khả năng lãnh đạo và tố chất chính trị của “con nhà nòi” (cha cũng là một chính trị gia). Bà khẳng định bà có niềm đam mê với những gì mình làm và có thể thích ứng với mọi tình huống.

Tại Burkina Faso, không chỉ có duy nhất một nữ ứng cử viên tổng thống như Tanzania, cuộc bầu cử tổng thống năm 2015 ở quốc gia này có tới hai ứng cử viên nữ. Đối với quốc gia mà phụ nữ thường bị coi là công dân hạng hai thì đó là một tiến độ đáng kể. Nữ ứng cử viên Saran Sereme đã từng tuyên bố khi vận động tranh cử: “Lựa chọn tốt nhất không phải dựa trên giới tính, tôn giáo, sắc tộc mà chỉ đơn giản là dựa trên năng lực” và kêu gọi cử tri hãy đánh giá năng lực của bà, không đánh giá giới tính của bà. Bà Sereme đã được cử tri nữ ủng hộ nhiệt tình, coi là tiếng nói của họ trong xã hội bất bình đẳng Burkina Faso.

Một quốc gia khác cũng ghi nhận sự tham gia của hai nữ ứng cử viên tổng thống là Bờ biển Ngà với nữ cựu Bộ trưởng Henriette Adjoua Lagou và nữ doanh nhân Jacqueline Kouangoua. Bà Jacqueline tuyên bố: “Suốt 60 năm qua đàn ông đã thống trị đất nước và hãy xem họ đã trao cho chúng ta cái gì. Chỉ là khủng hoảng mà thôi”.

Có thể nói, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và những năm tới nữa một số phụ nữ sẽ tiếp nối làn sóng ứng cử viên tổng thống nữ khi tuyên bố ra tranh cử. Ở Somalia, đó là bà Fadumo Dayib – người muốn trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Somalia và vẫn ra tranh cử năm 2016 này cho dù bị đe dọa giết hại. Ở Đài Loan (Trung Quốc), đó là bà Hung Hsiu-chu, người quyền lực thứ hai trong hệ thống lập pháp Đài Loan sẽ đại diện cho đảng cầm quyền với tư cách là nữ ứng cử viên đầu tiên cho vị trí đứng đầu chính quyền Đài Loan. Ở Mexico, đó là bà Margarita Zavala, cựu Đệ nhất phu nhân - người vừa tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống năm 2018.

Theo Nhật Minh, http://baophunuthudo.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video