Phụ nữ Việt Nam đang nghĩ gì về “brand” của mình?

19/06/2006
(Ông Tony Lê Đình Tuấn, Tổng giám đốc Celadon International)

“Có thể nhiều người không đồng ý, nhưng tôi tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bị khống chế bởi quá nhiều giá trị ảo. Suy nghĩ của từng cá nhân đang ngày càng bị điều khiển bởi quảng cáo. Các hình thức quảng bá ngày một tinh vi, khiến hàng trăm triệu người tự móc hầu bao ra mua những thứ mà “họ tưởng là họ cần”. Công nghệ PR có thể giúp tăng giá trị lên hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn lần giá trị thật của một sản phẩm, một thương hiệu, hay một miền đất nào đó.

Cho dù thích hay không thì Việt Nam cũng đã đặt chân vào sân chơi thế giới qua việc tham gia WTO. Đây là lúc mọi giá trị đang được cân đo đong đếm theo tiêu chuẩn chung toàn cầu. Những gì “hữu xạ” sẽ có cơ hội rạng danh bay xa chinh phục người khác, nhưng không phải chỉ bởi “tự nhiên hương” mà phải dốc sức marketing. “Hữu xạ” mà không có marketing thì rồi cũng sẽ tới lúc bị quên lãng trước vô số giá trị ảo mới lạ mà kẻ khác đã marketing thành công khiến chúng ta cứ “tưởng là mình cần”.

Branding – xây dựng thương hiệu – là điều cốt tử trong giai đoạn toàn cầu hóa này. Branding ngày nay không bó hẹp trong nhãn hàng tiêu dùng hay thương hiệu tập đoàn, mà đã bao trùm hầu như mọi giá trị hữu hình lẫn vô hình ở tận những cấp độ vô lý nhất, nhưng đó chính là sự thật ta phải nhìn thấy.

Năm 1900, Đại học Havard là khách hàng đầu tiên dám trả tiền cho công ty PR đầu tiên trên thế giới để làm branding. Đến nay khắp thế giới ngưỡng mộ những gì dính dáng đến cái tên Havard. Các nguyên thủ quốc gia khi thăm Mỹ cũng thường muốn được tận tay sờ vào bàn chân bước tượng Havard.

Gần bên cạnh ta, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đã ra sức branding cho tên nước của họ qua những thế mạnh khác nhau, và hiện nay đang bắt đầu đua sức trong những chiến dịch branding the people (con người nước họ) mà trong đó hình ảnh phụ nữ luôn được tô đậm.

Thái Lan đang ra sức thay thế hình ảnh “Thai girls” (nhiều tiếng tăm và đầy tai tiếng!) bằng những hình ảnh quí phái của Hoàng gia. Đích thân Công chúa cùng Hoa hậu Thái Lan liên tục viếng thăm các hội chợ du lịch quốc tế và ngồi trả lời phỏng vấn hằng giờ với giới truyền thông các nước.

Nhật, Hàn đang khuyến khích hàng triệu “OG” (office girls) đi ra khắp thế giới mỗi năm, vừa du lịch tích lũy vốn sống, vừa chứng minh với cộng đồng quốc tế sự tự tin năng động trẻ trung của một thế hệ phụ nữ mới, thế hệ “international citizen” (công dân thế giới), đủ khả năng tham gia những công việc toàn cầu sau này chứ không phải chỉ biết ở nhà hầu hạ như thế hệ người Việt trước từng mơ ước “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” nữa.

Singapore, Malaysia, Trung Quốc đang ra sức phát trên kênh quốc tế những phóng sự, phim truyện đề cao phụ nữ nước họ như một hình thức branding.

Vậy “Brand” của phụ nữ Việt Nam là gì?

Trong phạm vi đất nước, ta đã nghe những “brand” phụ nữ Việt được nhắc đến như:

- “Gái Nội Duệ Cầu Lim”, “Gái Gia Lai (Trai Đà Nẵng)”, “(Trai Nam) Gái Bắc”... nổi tiếng là giỏi, đẹp, khéo…

- “Người Mẹ Bàn Cờ”, Bà Má Hậu Giang”, “Con Gái Bến Tre”… trong thơ ca.

- “Anh Hùng, Bất Khuất, Trung Hậu, Đảm Đang”: 8 chữ do Hồ Chủ Tịch tặng.

Từ khi chưa biết chữ, tôi thường nghe các chị hát “Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà, mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca, thu về giang sơn cho lừng uy gái Nam, bầu trời Á sáng ngời ánh quang!...” nghe nhiều đến nỗi hôm nay tôi vẫn còn thuộc lòng, và luôn liên tưởng đến hình ảnh uy nghiêm thành kính của những ngày Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng một thời.

Mấy năm nay tâm sự “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc” khắp Việt Nam ở đâu cũng nghe hát, và còn hàng ngàn lời não tình thảm thiết hơn nữa - sự ngưỡng mộ các fan club nữ trẻ dành cho thần tượng của mình thật đáng nể! Đời sống tinh thần nghe sao mà quá bế tắc... Mới đây cả nước bàng hoàng vì 5 nữ sinh trong nhóm “Tám Lệ” đã thấy mình không còn lý do để sống!

Trong phạm vi quốc tế, nếu ta gõ Google 2 từ khóa “Vietnamese women”, thì 7 kết quả tìm kiếm đầu tiên ngay trang 1 đều có chung chủ đề môi giới cho người nước ngoài tìm “Vietnamese brides” (cô dâu Việt Nam). Đó là chủ đề bao trùm không thể chối bỏ mà thế giới đang khách quan nhìn thấy khi tìm kiếm thông tin chung về phụ nữ Việt Nam hiện nay – một brand mà các công ty môi giới hôn nhân quốc tế đã mang lại cho dù ta muốn hay không thì nó vẫn đang thực sự tồn tại trên phạm vi quốc tế.

Phụ nữ Việt Nam nghĩ gì về những điều này? Đã có những model tuyệt vời? Thản nhiên trước bất bình đẳng? Phớt lờ “brand” mới thế giới đang gắn cho mình? “Brand” quốc tế duy nhất này của phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bên cạnh những brand khác trong thời kỳ WTO, đó là quy luật, trừ phi chúng ta nỗ lực cho một “brand” khác đúng với mình hơn và quyết tâm quảng bá cho nó mọi lúc, mọi nơi.

Vấn đề là phụ nữ Việt Nam hôm nay có thấy cần có một thương hiệu quốc tế (international brand) đúng đắn cho giới mình không? Và xã hội Việt Nam có sẵn lòng ra sức bảo vệ, nâng cao hình ảnh người phụ nữ của mình không?

Hi vọng rằng gia sản quý báu và đáng yêu Mẹ Âu Cơ truyền lại sẽ được trân trọng bởi từng người con Lạc Hồng từ trong nhà ra thế giới như xứng đáng phải có, và mỗi phụ nữ Việt Nam đều luôn là niềm tự hào của quê hương đất nước này”.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video