Phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài - vấn đề cần chung tay giải quyết.

14/06/2006
Trước diễn biến phức tạp của tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong các ngày từ 8-10/6/2006, T.W Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về Vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài với sự tham gia của đại diện TW.Hội LHPN, Hội LHPN tỉnh/thành phố, các Bộ, ngành, đoàn thể, TP Hồ Chí Minh nhằm tìm nguyên nhân, giải pháp để nhanh chóng giải quyết vấn đề xã hội bức xúc này.

Đi tìm nguyên nhân?

 

Không phải đến bây giờ các phương tiện thông tin đại chúng mới đề cập đến vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Nhưng để có một cái nhìn xác thực đâu là nguyên nhân dẫn một số cô gái Việt Nam chủ yếu ở độ tuổi 18-25 lại sa cơ lỡ bước, trở thành “món hàng” để được “coi mắt”, xếp hàng chờ đợi đến lượt được lựa chọn làm vợ hoặc bị lừa gạt vào các “động quỷ” bán thân nơi xứ người, qua các ý kiến tại Hội nghị cho thấy hầu hết họ là những phụ nữ nông thôn, học vấn thấp và đa phần là muốn đổi đời nhanh chóng bất kể tuổi tác, tình yêu, biên giới. Một bộ phận nữ thanh niên lười lao động, thích đua đòi, ăn chơi. Bên cạnh đó, một số cô gái do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn đã coi con đường lấy chồng nước ngoài là cách trả hiếu duy nhất.

 

Nhưng muốn “được” chồng nước ngoài thì không thể không kể đến các “cò” môi giới hoạt động dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt. “Cò” mồi có thể là những người “hàng xóm” vốn hàng ngày vẫn thường tiếp xúc, thân thiết hay những người đã từng lấy chồng nước ngoài, những người ở thành phố có mối quan hệ họ hàng, quen biết, về nông thôn rỉ tai những cô gái nhẹ dạ, cả tin. Có thể thấy nơi nào “cò” môi giới hoạt động mạnh thì nơi đó có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài.

 

Mặt khác, quy định về các thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài của ta chưa chặt chẽ. Chỉ vài ngày sau khi các cô gái đã lọt vào “mắt xanh” của những người đàn ông ngoại quốc là “cò” làm xong thủ tục kết hôn, chỉ cần chờ vài tháng sau là có vé máy bay về nhà chồng.

 

Một nguyên nhân khác nữa là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống còn hạn chế, thực hiện chưa thường xuyên đã dẫn đến nhận thức sai lệch của một bộ phận chị em phụ nữ cũng như cộng đồng về việc kết hôn với người nước ngoài.

 

Đâu là giải pháp?

 

Trong xu thế hội nhập, kết hôn với người nước ngoài là quyền nhân thân của mỗi người trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, hạnh phúc và hiện đã không còn bị luật pháp cấm đoán. Dự báo số phụ nữ lấy chồng nước ngoài còn gia tăng, chắc chắn không còn bó hẹp trong phạm vi một số nước như hiện tại. Tuy nhiên, việc lợi dụng hôn nhân với người nước ngoài để buôn bán trục lợi, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam là điều cần phải lên án và xử lý thích đáng. Theo Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát - Bộ Công an: Chưa bao giờ nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam bị xâm hại nghiêm trọng như trong thời gian qua. Nhiều đường dây môi giới mại dâm tổ chức coi mắt, lựa chọn rất trắng trợn, hàng nghìn phụ nữ bị bán ra nước ngoài làm nô lệ tình dục. Thế nhưng, việc phát hiện, ngăn chặn của các lực lượng chức năng vẫn còn hạn chế, đặc biệt là chính quyền sở tại. Chính vì vậy, đã đến lúc rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, các tổ chức, đoàn thể chung tay giải quyết vấn đề này.

 

Đối với ngành Công an cần tăng cường kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân môi giới bất hợp pháp và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực hoặc tiếp tay cho bọn tội phạm trong việc làm thủ tục kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài. Với các nhà hàng, khách sạn cho thuê địa điểm, tổ chức xem mặt cô dâu, nhẹ thì xử phạt hành chính, còn nặng thì cần rút giấy phép hành nghề…

 

Đối với ngành Tư pháp, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng, Bộ Tư pháp sẽ cùng với Hội LHPN Việt Nam và một số cơ quan hữu quan tham mưu hoàn chỉnh các quy định bổ sung trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, tiến hành đàm phán hỗ trợ tư pháp về hôn nhân và gia đình với một số nước trong khu vực.

 

Một giải pháp mang tính cấp bách và cũng là lâu dài là cần phải quy định rõ trình độ ngôn ngữ nhất định của người chuẩn bị kết hôn và nhất thiết phải qua một lớp học ngắn hạn về luật pháp, văn hoá, phong tục của đất nước mà người phụ nữ đến làm dâu. Chỉ khi nào cô gái có đủ các điều kiện cần thiết theo quy định thì Sở Tư pháp mới chứng nhận kết hôn.

 

Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chị em là một nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ riêng với Hội LHPN mà cần thiết, đề nghị Bộ Chính trị ra nghị quyết về vấn đề này để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Quan tâm đến việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống của chị em, đặc biệt là đối với chị em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và số chị em bị buôn bán hoặc do hôn nhân bất hạnh trở về quê hương làm ăn, sinh sống cũng là trách nhiệm chung của các Bộ, ngành, các cấp uỷ, chính quyền địa phương. Việc tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng các gương điển hình, tiên tiến, những người biết vượt lên số phận hay tổ chức những cuộc toạ đàm, trao đổi trực tiếp với những người đã từng là nạn nhân của buôn bán, bất hạnh để răn đe cũng là việc nên làm.

 

Và cũng cần phải cảnh tỉnh với một số chị em rằng, tất cả các biện pháp nêu trên có thành công hay không thì điều quan trọng không kém còn phụ thuộc vào quyền quyết định của chị em. Trong thời đại ngày nay, khi xã hội không còn chuyện “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, và luật pháp không lên án, nghiêm cấm hôn nhân có yếu tố nước ngoài, chị em cần tỉnh táo trước những lời đường mật, hứa hẹn suông, không được “mắt thấy tai nghe” và cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định cho cả cuộc đời của bản thân mình.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video