Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang

04/03/2015
Từ xưa đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc, bất cứ thời đại nào đều có những người phụ nữ xuất chúng, có công lao đối với đất nước và sống mãi trong lòng dân tộc. Tiếp nối truyền thống hào hùng đó, phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh tiếp tục cống hiến, đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với nhân dân miền Nam, phụ nữ miền Nam đã lập được nhiều kỳ tích chói lọi. Ra đời từ phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre (1960), "Đội quân tóc dài" một "Binh chủng đặc biệt" của nữ giới đã phát triển lan rộng khắp miền Nam, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ - niềm tự hào của dân tộc, nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Đội quân tóc dài ấy đã vận dụng tuyệt vời, nhuần nhuyễn đường lối đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, binh vận (ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược), là vũ khí lợi hại mà phụ nữ miền Nam sử dụng đánh bại các chương trình bình định nông thôn, dồn dân lập ấp chiến lược, lập vành đai trắng và các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Có mặt trong các điểm nóng bỏng của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, nữ nhà báo Pháp Ma-đơ-len-Rip-Phô đã viết nhiều bài báo về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam để thuyết phục bạn bè chính quốc ủng hộ phụ nữ và nhân dân Việt Nam. Tận mắt chứng kiến những tấm gương anh hùng của phụ nữ miền Nam,nữ nhà báo Pháp Ma-đơ-len-Rip-Phô đã nói về Đội quân tóc dài: “Quả là ở miền Nam Việt Nam đang tồn tại một đội quân kỳ lạ, không có súng ống, có mặt ở khắp nơi, thành thị cũng như thôn quê, một đội quân mà các bản tin của các hãng thông tấn hầu như không bao giờ nói đến, song lại đóng vai trò to lớn trong cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam chống xâm lược, đó chính là “Đội quân tóc dài” đã tập hợp hàng triệu nữ chiến sĩ”. Trong phong trào đấu tranh của phụ nữ miền Nam xuất hiện những tấm gương sáng chói như Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Diệu, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Út Tịch, Tô Thị Huỳnh, Kan Lịch, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Thắng, Tạ Thị Kiều, Nguyễn Thị Lài, Lê Thị Hồng Gấm, Trần Thị Tâm…. nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên mưu trí, gan dạ dẫn đường cho xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn,…

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt leo thang bắn phá hòng huỷ diệt miền Bắc nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn sự ủng hộ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, trong không khí cách mạng sục sôi của cả nước, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào phụ nữ Ba đảm nhiệm: Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu;  Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu. Phong trào Ba đảm đang đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tài đảm đang, trí sáng tạo của hàng chục triệu phụ nữ vượt mọi khó khăn, gian khổ vươn lên, dám nghĩ, dám làm, vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Hưởng ứng phong trào Ba đảm đang hàng vạn nữ thanh niên tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, tích cực, sẵn sàng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, làm đường, lái xe… Hàng triệu phụ nữ nông dân vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Với khẩu hiệu “tay cày, tay súng”, chị em đã sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ đồng ruộng, tích cực học tập và áp dụng thành thạo kỹ thuật mới, hăng hái học cầy, học bừa, sử dụng các loại công cụ cải tiến và cơ khí nhỏ, tham gia quản lý nhà nước v.v... Trong phong trào này, Thái Bình là tỉnh đầu tiên trên miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha, đến năm 1972, đã có 3.468 hợp tác xã đạt mục tiêu 5 tấn thóc/ha, tăng gấp 5 lần năm 1965. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ nông dân mới, dám nghĩ, dám làm, góp phần cải tạo và xây dựng nông thôn mới mà tiêu biểu là 11 nữ anh hùng lao động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ lợi như Nguyễn Thị Song (Hà Bắc), Nguyễn Thị Chén (Hà Tây), Phạm Thị Vách (Hải Hưng)… Trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, hàng triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm hăng hái thi đua lao động sản xuất. Với khẩu hiệu“Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân lao động quên mình để giữ vững và phát triển sản xuất ngay dưới làn bom đạn của kẻ thù. Trên các công trường, xí nghiệp, hầm mỏ, chị em tham gia sôi nổi các phong trào thi đua “Giỏi một nghề, biết nhiều việc”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”...Trên khắp các công trường, nhà máy, xí nghiệp, ruộng đồng hàng vạn nữ nông dân và công nhân làm việc không kể ngày đêm thi đua lao động sản xuất với khẩu hiệu “tay cày, tay súng”,“tay búa, tay súng”, “mỗi người làm việc bằng hai”, … Các phong trào thi đua kết nghĩa Bắc – Nam sôi nổi diễn ra ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc: Phụ nữ Hà Nam với Chiến dịch “Rực lửa đêm đông, Đồng Nai quật khởi”với 1400 chị em tham gia; Phụ nữ Hải Phòng với phong trào “Hũ gạo tiết kiệm vì miền Nam” góp được 1000 tấn; Hội Phụ nữ Thanh Hóa tổ chức 600 đội cấy mang tên Qung Nam với khẩu hiệu “Phụ nữ Quảng Nam anh dũng đấu tranh, phụ nữ tỉnh Thanh cấy nhanh cấy khéo; Hội phụ nữ Sơn Tây tổ chức 3000 đội cấy mang tên “Tây Ninh”…

Nơi tuyến lửa những người phụ nữ tiểu biểu như mẹ Nguyễn Thị Suốt, Anh hùng Trần Thị Lý, Anh hùng La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển, Cù Thị Hậu, Đặng Thùy Trâm,… Đặc biệt là tiểu đội nữ anh hùng 10 cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, gần 200 ngày đêm dưới làn bom đạn ác liệt của kẻ thù đã kiên cường sửa đường đảm bảo giao thông thông suốt. Các chị đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Đội dân quân gái Nam Ngạn bắn rơi nhiều máy bay bay Mỹ. Đội nữ pháo binh Ngư Thủy- Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dânvới thành tích đánh 8 trận, trong đó có 5 trận bắn cháy và chìm tàu chiến Mỹ.. Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương đã dũng cảm chiến đấu, đánh lui một tiểu đoàn địch được trang bị vũ khí hiện đại trong chiến dịch Mậu Thân 1968; 12 cô gái Truông Bồn, Đội nữ lái xe trường Sơn huyền thoại và còn biết bao nữ thanh niên sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai.

Phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành một trong những biểu tượng cao nhất của phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc những năm chống Mỹ. Hình ảnh “O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai áp giải một phi công Mỹ cao lớn bị bắt năm 1965 đã trở thành biểu tượng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ giữa một dân tộc nhỏ bé với kẻ thù lớn hơn gấp nhiều lần.

Trong phong trào đã có biết bao tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng triệu phụ nữ “Ba đảm đang” lập thành tích xuất sắc: 42 phụ nữ xuất sắc được tuyên dương anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng, 1.718 chị em được tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 nữ chiến sĩ thi đua và trên 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ tặng phụ nữ Việt Nam 12 chữ vàng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước” nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (ngày 20-10-1966).

Những đóng góp, hy sinh to lớn và những thành tích, chiến công lẫy lừng của phụ nữ hai miền Nam – Bắc – Hai chị em trên hai trận tuyến, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang... đã góp phần cùng dân tộc làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Pa-ri (1/1973) và cuối cùng đã làm nên chiến thắng mùa xuân 1975.

Lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp nối truyền thống vẻ vang của "Đội quân tóc dài", “Ba đảm đang”, tiếp nối truyền thống Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang, phụ nữ Việt Nam hôm nay đã và đang tiếp tục viết tiếp những thành tích vẻ vang vào trang vàng của lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, là người phụ nữ có trí tuệ, năng động, sáng tạo, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, làm chủ khoa học kỹ thuật, phấn đấu tất cả vì sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam không chỉ là người vợ, người mẹ hiền đảm đang mà còn là những nhà lãnh đạo, nhà khoa học tài năng, những doanh nhân giỏi, …có nhiều đóng góp, đồng hành cùng dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ ”.

Dương Thị Thủy – Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video