Phụ nữ Việt Nam trong “Chuyện của chợ”

07/03/2014
Từ bao đời nay, mỗi khi nhắc đến “chợ”, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó bởi chợ là nơi các bà, các chị mang những sản vật do chính tay mình làm ra đi bán, nơi họ mua sắm những vật dụng thiết yếu về cho gia đình. Chợ cũng là không gian để chị em được gặp gỡ nhau thường xuyên.

Những hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam gắn với “chợ” đã được tái hiện lại trong triển lãm ảnh “Chuyện của chợ” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, khai mạc vào sáng 6/3/2014.. Thông qua những bức ảnh tư liệu “chợ xưa, chợ nay và tương lai”, qua phiên “chợ quê” với nhiều dãy hàng thông dụng, thiết yếu của cuộc sống hàng ngày như nông sản rau củ quả, vật dụng gia đình, món quà quê… người xem cảm nhận được hơi thở của chợ, đó là hơi thở rộn ràng của cuộc sống, hơi thở của những người phụ nữ đảm đang, khéo léo vun vén gia đình.

Vừa thoăn thoắt gói những bình hoa pha lê tuyệt đẹp bán cho khách, miệng vẫn cười tươi trò chuyện với người xung quanh trong phiên “chợ quê”, chị Nguyễn Thị Liên (Tân An, Hùng Vương, Phú Thọ) cho biết: Chị đến với nghề làm hoa pha lê từ 3 năm trước, khi ấy điều kiện gia đình còn khó khăn, các con đang tuổi ăn tuổi học. Chị phải bươn chải làm thêm đủ mọi việc để cải thiện cuộc sống gia đình, trong đó có nghề kết hoa. Được Quỹ TYM (tổ chức Tài chính vi mô TNHH Một thành viên Tình thương do Hội LHPN Việt Nam thành lập) trợ giúp vốn, chị đã dần dần tạo nên cơ sở làm hoa ngay chính tại gia đình. Hiện không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Liên còn tạo việc làm cho những chị em khác ở quê, giúp chị em có thêm thu nhập. Đưa những bình hoa đến với “chợ quê”, chị Liên mong muốn, thông qua không gian của chợ, chị tìm thấy nhiều khách hàng hơn, quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình ra thị trường.

Chị Liên cũng như nhiều phụ nữ khác, bằng bàn tay khéo léo và sự cần cù chăm chỉ, họ làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Nhưng do điều kiện khó khăn, hàng hóa của họ không được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng. Vì vậy, chợ vẫn là nơi họ kinh doanh buôn bán và gửi gắm những nỗi niềm về chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Đối với họ, chợ là một phần của cuộc sống.

 Ảnh minh họa

 Toàn cảnh triển lãm


Không chỉ là nơi buôn bán, chợ còn là không gian giao tiếp của nhiều người, đặc biệt là của chị em phụ nữ. Ở “chợ” người ta cũng tìm thấy sự gắn kết giữa người với người. “Tôi đã nghỉ hưu nên ngày nào cũng đi chợ, thứ nhất là để mua đồ ăn thức uống hàng ngày, thứ hai để trò chuyện cho vui… Đi chợ hàng ngày nên tôi quen từ người bán rau, bán thịt cho đến người bán gà, bán hàng hoa quả…” bà Đinh Thị Vinh, Ngọc Thụy, Long Biên chia sẻ.

Hiện nay, chợ ở nhiều nơi đã bị biến đổi, nhiều chợ đã biến mất thay vào đó là những siêu thị, cửa hàng mọc lên. Trước thực tế này, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là làm sao để lưu giữ những nét đẹp của chợ cùng hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam tần tảo chịu khó, luôn hết lòng vì tổ ấm gia đình.

“Chuyện của chợ” là hoạt động văn hóa kỷ niệm 104 năm ngày Quốc tế Phụ nữ do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức HealthBridge và công ty Fresh Studio tổ chức. Triển lãm chia sẻ về ký ức của chợ xưa, thực trạng của chợ nay và mong muốn chợ trong tương lai thông qua những bức ảnh, tư liệu, tiếng nói đa dạng của người dân, đặc biệt là người phụ nữ Việt – những người gắn bó với hoạt động kinh doanh, mua bán ở chợ. Triển lãm gồm 3 phần: Chợ xưa, chợ nay và tương lai.

Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 15/4/2014.

Bên cạnh triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với tổ chức Tài chính vi mô TNHH Một thành viên Tình thương (TYM), Hội LHPN Việt Nam giới thiệu “chợ quê" với hơn 40 mặt hàng thông dụng, thiết yếu với cuộc sống hàng ngày như rau củ quả, hàng khô, hàng thủ công mỹ nghệ và những món quà quê mộc mạc. Đó là những sản phẩm sạch, an toàn của các thành viên quỹ TYM mang đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Chợ quê sẽ diễn ra đến hết ngày 9/3/2014.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video