Phụ nữ Vĩnh Long tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng các mô hình thiết thực

06/11/2017
Với những mô hình rất cụ thể, thiết thực, cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Vĩnh Long đang tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Khởi nghiệp từ mô hình trồng nấm bào ngư

Mô hình trồng nấm bào ngư ở xã Hòa Phú, huyện Long Hồ có 20 thành viên tham gia, bước đầu mô hình trồng thí điểm với số lượng 3.000 bịch phôi với số vốn 16,5 triệu đồng. Mô hình được UBND xã đầu tư hỗ trợ vốn khởi nghiệp hỗ trợ 30% tổng số vốn ban đầu. Chị em tham gia mô hình thường xuyên được Hội LHPN cơ sở hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng khoa học vào sản xuất. Sau hơn 5 tháng chăm sóc, lứa thu hoạch đầu tiên cho giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, các thành viên còn lãi từ 4,5-5 triệu đồng/1.000 phôi.Đặc biệt, sau khi thu hoạch còn tận dụng được xác phôi để trồng nấm rơm với 1.000 xác phôi trồng nấm rơm có năng suất từ 14- 20 kg giá bán 50.000 đ/kg, trừ chi phí có thêm lợi nhuận 600.000đ, ngoài ra còn làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Từ thành công đó, mô hình được tiếp tục duy trì và nhân rộng đến nay mô hình đã mua trồng thêm 4.000 phôi meo giống mới và đang chờ ngày thu hoạch. Mô hình trồng nấm bào ngư của Hội LHPN xãHòa Phú ngày càng thu hút nhiều chị em hội viên trong xã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Để mở rộng mô hình, Hội LHPN huyện hỗ trợ thêm 18 triệu để các chị đầu tư thêm vốn cho sản xuất; đồng thời đưa đi tập huấn kỹ thuật do Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long phối hợp với trung tâm khoa học công nghệ tỉnh tổ chức để được các chuyên giagiảng dạy kỹ thuật trồng nấm áp dụng khoa học kỹ thuật, cho năng suất cao và giới thiệu nơi cung cấp phôi nấm có uy tín và chất lượng. Nấm bào ngư là loại nấm sạch, không phun thuốc bảo vệ thực vật, không chất bảo quảnan toàn cho người sử dụng.

Tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng tự quản

Hội LHPN xã Tân Hòa TP Vĩnh Long hiện đang quản lý 6 Tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng tự quản, mỗi tổ có 15-30 thành viên, nguồn huy động mỗi chu kỳ 6 tháng đạt hàng trăm triệu đồng/tổ. Từ số tiền tiết kiệm và huy động này, mỗi kỳ họp sẽ xét ưu tiên cho 1 chị trong nhóm vay, thời hạn tối đa 6 tháng. Số tiền vay được trả góp hàng tuần, tiền lãi áp dụng mức 1% thu vào đầu kỳ. Cứ thế cho đến khi kết thúc chu kỳ 6 tháng toàn bộ số tiền sẽ được thu hồi, tiền gốc của ai đóng bao nhiêu trả đủ cho chị em bấy nhiêu, phần lãi được chia theo tỷ lệ đóng của từng chị như chia cổ tức. Ưu điểm của mô hình không chỉ là huy động dòng tiền nhàn rỗi trong chị em để sinh lời mà tính rủi ro lại thấp do mỗi thành viên đều có phần vốn của mình trong đó. Nguồn tiền huy động tuy lớn nhưng rải đều ở nhiều thành viên, vốn luôn lưu động không tập trung vào một người do đó chị em dễ tham gia. Mô hình thể hiện tinh thần tương thân tương ái cao, thu hút chị em tham gia họp rất đầy đủ và đúng giờ, thậm chí có cả nam giới xin tham gia. 

Mô hình Đường sáng

Được triển khai ở xã Long An, huyện Long Hồ, mô hình là cách để Hội LHPN xã thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Chọn ấp Hậu Thành để tiến hành thực hiện mô hình, Hội cùng với các ban, ngành, đoàn thể ấp chọn tổ nhân dân tự quản 3 và 4 với đoạn đường dài 2km làm điểm, thống nhất 12 hộ dân treo đèn thắp sáng cho tuyến đường. Hội vận động mạnh thường quân hỗ trợ dây điện, bóng đèn để cùng người dân làm mô hình đường sáng. Đến nay mô hình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ khi thắp lên bóng đèn, tuyến đường trên không còn cảnh bị màn đêm bao phủ mà thay vào đó là một hệ thống chiếu sáng của đèn điện, nhằm mục đích giúp người dân đi lại, sinh hoạt cũng thuận tiện hơn, khi người dân tham gia giao thông cũng không bị hạn chế tầm nhìn, tình hình tai nạn giao thông và an ninh trật tự cũng được cải thiện rõ rệt, nhất là tình trạng trộm cắp được kéo giảm. Mặc dù với đoạn đường ngắn được lắp đặt các bóng đèn, nhưng người dân ở ấp Hậu Thành vô cùng phấn khởi vì đây là tuyến đường mới có nhiều cua quẹo nên vào ban đêm rất nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn. Để đảm bảo ánh sáng và an toàn trong quá trình sử dụng, Hội còn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra kịp thời sửa chữa, thay mới những bóng đèn, dây điện hư hỏng tạo sự an toàn, tin tưởng cho người dân. Trong thời gian tới Hội LHPN xã Long An sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra toàn ấp và các ấp khác.

Bùi Thị Oanh (Hòa Phú), Tân Hòa, Long An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video