Phụ nữ vùng biên Long An mang mùa xuân đến trên quê hương

04/03/2020
Tỉnh Long An có đường ranh giới quốc gia với Campuchia dài 137,7 km, hai cửa khẩu Bình Hiệp (Mộc Hóa) và Tho Mo (Đức Huệ), 5 huyện và 1 thị xã giáp ranh (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ) tại 20 xã, 40 ấp.
Hội LHPN tỉnh Long An tặng quà cho học sinh tại xã Mỹ Quý Tây huyện Đức Huệ

Đời sống vùng biên những năm qua đã có nhiều tiến bộ. Các xã biên giới nay đã có đường nhựa đi qua, điện đến nông thôn, cầu kiên cố đã nối các bờ kênh, hoa đã sắc màu đã tươi trên vùng đất cháy… Cùng với đó, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng biên ngày được cải thiện.

Sức sống mãnh liệt vùng biên hiển hiện qua rất nhiều hình ảnh tươi sáng. Trong công tác Hội Phụ nữ, suốt chiều dài 137,7 km đường biên ấy có sự gắn bó, thuộc làu đặc điểm của 40 chi hội trưởng ấp, 20 Chủ tịch Hội LHPN xã. Với sự tận tâm, trách nhiệm của các chị, đã có 5.988 hội viên phụ nữ tham gia trong 115 tổ Tiết kiệm, vay vốn  được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư tăng gia sản xuất, xóa đói, vượt nghèo; 1.817 học sinh được học bổng, tặng quà; 1.135 phụ nữ nghèo 20 xã biên giới được hỗ trợ bằng nhiều hình thức trong năm; 44 mái ấm tình thương do các cấp Hội vận động nguồn lực tặng, trị giá 1 tỷ 820 triệu đồng.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới, giữ gìn đường biên có sự góp sức của phụ nữ một cách thiết thực. Năm 2019, 20 “Tuyến đường phụ nữ - xanh, sạch, đẹp sát biên giới được đăng ký mới với 52km. Các chị trồng hoa, dặm vá, quét dọn vệ sinh môi trường... Những hàng rào xanh chạy dọc các ngõ nhà như một bức tranh hết sức nữ tính của vùng nắng gió biên cương. Đã có 6 “Chi hội  5 không, 3 sạch” được thành lập ở biên giới, góp công chung của phụ nữ vùng ranh với nội địa trong cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các mẹ, các chị, các em tiếp tục truyền thống quê hương anh hùng, căn cứ địa cách mạng xưa, trong năm tiễn 309 thanh niên – là cháu, con, là chồng, là người yêu lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Tình yêu Tổ quốc, yêu biên cương dạt dào trong 73 gia đình chị em 20 xã biên giới có chồng là cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Các chị đã lặng lẽ hy sinh để làm hậu phương vững chắc giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ.

Các dì, các chị phụ nữ biên giới được quyền tự hào khi hiện tại có 1.167 con em mình là sinh viên Đại học, cao đẳng ở các nơi trong và ngoài nước, trong đó có nhiều cháu là con của hộ nghèo. Trong năm qua, 420 em bé chào đời ở vùng biên. Tiếng khóc chào đời của các con ấm áp vui tươi từ các Trạm y tế xã, Trạm Quân y của Bộ đội biên phòng. Đây là nguồn động lực vô cùng to lớn cho sự phấn đấu không kể mệt mỏi của các mẹ, các chị, của Hội phụ nữ các cấp hướng về biên cương.

Đặc biệt, tại các xã biên giới có 106 chị là đại biểu Hội đồng nhân dân, 49 chị là cấp ủy viên, 10 chị là bí thư, phó bí thư Đảng ủy xã, 16 chị là chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND. Sự nỗ lực vén khéo gia đình, vượt qua định kiến giới, phấn đấu vươn lên để khẳng định vai trò của phụ nữ trong công tác xã hội của  các chị thật đáng tự hào. Bất kỳ chị em cán bộ Đảng, chính quyền, và các chị chi hội trưởng nào khi được hỏi xã mình, ấp mình có bao nhiêu hộ nghèo, bao nhiêu người khuyết tật, các chị đều nhớ rõ tên, nhà ở đâu… Chỉ có sự hy sinh, tận lực và tình thương mới có thể có được những điều đó.

Mùa dịch virus Covid-19 này, các chị em vùng biên lại xung kích, phát huy sức mạnh của “5 không, 3 sạch”, hướng dẫn vệ sinh, phát khẩu trang miễn phí, vận động tự nguyện báo địa phương khi qua biên giới…

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương tình đang lan tỏa trong cộng đồng, góp phần cùng chị em phụ nữ biên cương làm thay đổi tích cực cuộc sống. Nhưng chính chị em vùng biên đã luôn cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, nỗ lực từng ngày, đem xuân về trên chính quê mình.

Nguyễn Thụy Thắm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video