Phụ nữ vùng dân tộc và tôn giáo ở Yên Bái vươn lên thoát nghèo

19/10/2007
Trong những năm qua, cùng với thực hiện các chính sách ưu tiên cho việc phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc như chương trình 134, 135 của Chính phủ... Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội vận động hội viên phụ nữ dân tộc- tôn giáo thực hiện tốt phong trào: “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”; “Phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo có địa chỉ”...

Đây là hình thức tạo điều kiện cho phụ nữ thoát nghèo, tích cực  tham gia các hoạt  động xã hội, nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội  giúp chị em gắn bó với tổ chức Hội. Gia đình chị Triệu Thị Cải, dân tộc Dao, thôn Khe Lép, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên trước đây rất nghèo. Tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, chị Cải được trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất có thêm kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình. Được Hội Phụ nữ tín chấp cho vay vốn với lãi xuất ưu đãi chị đầu tư trồng quế, thâm canh ruộng, phát triển chăn nuôi trâu, lợn nái sinh sản, đầu tư mua máy xay xát nghiền thức ăn gia súc phục vụ bà con địa phương. Đến nay, gia đình chị đã trồng được 10 ha quế và 8 ha đang cho thu hoạch. Cộng các khoản thu từ chăn nuôi, trồng trọt gia đình chị Cải cũng có trên 20 triệu đồng... 

Chị Nông Thị Thu dân tộc Dao, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên cũng có hoàn cảnh tương tự. Năm 2004, chị được Hội Phụ nữ hỗ trợ vay vốn, tập huấn kiến thức chuyển giao KHKT và nhờ chịu khó học hỏi, nên với 7 triệu đồng vốn vay và 7 sào ruộng nước, chị đã mạnh dạn đưa giống lúa mới chất lượng cao, hàng năm cho thu hoạch từ 3 đến 4 tấn thóc. Chị còn nuôi 11 con trâu, bò, lợn; trồng được 5 ha quế , bồ đề, măng Bát độ và trồng mới 2 sào dâu nuôi tằm, tính trung bình mỗi năm trừ chi phí thu nhập thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi đạt trên 35- 40 triệu đồng. Chị Thu còn tích cực vận động chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, cung cấp vốn, con giống cho chị em nuôi chia 5 con lợn nái, giúp chị em hoàn cảnh khó khăn lúc đói giáp hạt mỗi vụ từ 1 đến 2 tạ thóc, nhiều chị em đã thoát khỏi đói nghèo vươn lên có cuộc sống khá giả.

Còn chị Lò Thị Tuyên, dân tộc Thái  ở bản Pá Khết, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ cũng là mô hình kinh tế giỏi của phụ nữ dân tộc, từ nguồn vốn vay của phụ nữ, chị đầu tư nấu rượu nuôi lợn, mỗi năm xuất chuồng 2 tấn lợn hơi, thu nhập 30 triệu đồng/năm. Được sự quan tâm của Hội Phụ nữ thị xã chị mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm  đầu tư mua 4 khung dệt cải tiến, năng suất gấp 10 lần khung dệt thủ công của người Thái địa phương. Chị đã khôi phục được nghề truyền thống của gia đình, trung bình mỗi tháng thu từ dệt may hàng thổ cẩm là 600.000 đồng/người. Ngoài ra, chị Tuyên còn tạo việc làm cho 8 lao động nữ tại địa phương tranh thủ lúc nhàn rỗi có thu nhập ổn định 350.000 đồng/ tháng. Không thể kể hết những mô hình gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số- tôn giáo ở Yên Bái biết sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, biết tự vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.

Để hỗ trợ phụ nữ dân tộc - tôn giáo phát triển kinh tế, các cấp hội phụ nữ đã tiến hành khảo sát và tìm ra nguyên nhân đói nghèo của hội viên là do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, các cấp hội cũng thành lập nhiều mô hình tổ, nhóm  giúp nhau phát triển kinh tế phù hợp với phong tục tập quán của phụ nữ dân tộc - tôn giáo. Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức hội,  chị em đã tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo, tuy mức vốn vay đầu tư cho phụ nữ còn thấp, nhưng đã biết chắt chiu sử dụng vốn vay.

Không chỉ quan tâm xây dựng các nguồn vốn vay hỗ trợ, các cấp hội còn có nhiều sáng kiến xây dựng các mô hình phù hợp với phụ nữ dân tộc - tôn giáo như: mô hình các câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi, câu lạc bộ phụ nữ chăn nuôi giỏi; xây dựng mô hình phụ nữ 3 không: không di dân tự do, không thả rông gia súc trong chăn nuôi, không cam chịu đói nghèo). Thông qua các mô hình đã giúp chị em thay đổi nhận thức và nhận thấy trách nhiệm của bản thân phải vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng. Đến nay đã có trên 70% số gia đình hội viên phụ nữ dân tộc - tôn giáo xây dựng mô hình sản xuất; trên 90% hộ gia đình áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất thâm canh. Đặc biệt gần đây nhờ thường xuyên được tiếp cận với KHKT hiện đại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương,  chị em đã biết làm giàu nhờ phát triển đa dạng các ngành nghề, dịch vụ như phụ nữ huyện Lục Yên đã xây dựng các mô hình chế tác tranh đá quý, huyện Yên Bình Trấn Yên có mô hình trang trại tổng hợp; mô hình chăn nuôi kinh doanh dịch vụ tổng hợp của phụ nữ thành phố Yên Bái; ở thị xã Nghĩa Lộ , Văn Chấn là các mô hình về nghề dệt thổ cẩm.

Phong trào phụ nữ  thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo  của các cấp Hội phụ nữ đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ dân tộc-  tôn giáo, tạo điều kiện để chị em tham gia các hoạt động xã hội, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong cộng đồng.
Kim Tiến
Yên Bái

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video