Phụ nữ xã Lộc Châu giúp nhau phát triển kinh tế

06/11/2007
Là một trong những xã vùng ven của thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng), người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, cuộc sống còn khá nhiều khó khăn nhưng một năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã Lộc Châu có nhiều chuyển biến với những mô hình hợp tác sản xuất tiểu thủ công nghiệp, góp phần không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng mức sống của người dân trong vùng.

Hội LHPN xã Lộc Châu hiện có 213 hội viên, trong đó có khoảng 20% chị em đã cao tuổi, số hội viên trong độ tuổi lao động chiếm đa số nhưng trước đây không có nghề nghiệp ổn định, phần lớn chỉ làm nông và đi hái chè thuê theo mùa vụ. Gần đây, Hội LHPN xã đã tổ chức các mô hình hợp tác sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu hút khá nhiều chị em tham gia. Mô hình hoạt động này hình thành chưa đầy một năm nay nhưng ở tất cả các thôn đều đã thành lập các tổ hợp tác với những ngành nghề đặc trưng theo từng địa bàn: thôn 4 có mô hình đan sọt rổ tre, thôn 1 thì có các lớp học may, thôn Tân Vượng có mô hình làm tóc giả; thôn Đạ Nghịch có mô hình dệt thổ cẩm…

Nghề đan sọt tre, rổ tre được xem là một trong những nghề truyền thống của nhiều hộ dân ở thôn 4 xã Lộc Châu, thị xã Bảo Lộc. Trước đây, chỉ được duy trì tự phát, manh mún ở một số hộ gia đình, nên hiệu quả về kinh tế chưa cao. Năm 2006, chị Nguyễn Thị Hồng Thuỷ trong vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Châu, sau khi đi khảo sát nắm bắt nhu cầu của sản phẩm này đã vận động các gia đình có kinh nghiệm đi tìm các mối hàng cố định, ký hợp đồng với các thương lái để có thêm nguồn tiêu thụ rồi vận động chị em nghèo trong Hội cùng tham gia vào các tổ hợp tác đan sọt, rổ tre. Đến nay, nghề này đã trở thành nghề phổ biến của thôn 4 và công việc này trở thành công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình hội viên hội phụ nữ thôn. Chị Nguyễn Thị Trang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 4, cho biết: “So với công đi hái chè thuê chỉ 20 ngàn/ngày, thì mức thu nhập từ công việc này cao gấp đôi, công việc lại ổn định quanh năm, nên nhiều chị em không ngần ngại chọn nghề này làm nghề chính cho gia đình”.

Cùng với việc duy trì nghề đan sọt, rổ tre, chị Hồng Thuỷ còn vận động nhiều chị em đa dạng hoá sản phẩm truyền thống để tìm mối hàng xuất khẩu, tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Nhiều hội viên còn vận động các thành viên trong gia đình để cùng tham gia, mở các lớp vừa học vừa làm cho chị em hội viên. Mô hình đan bình hoa bằng dây chuối khô theo đơn đặt hàng của Nhật Bản đòi hỏi tay nghề cao hơn nhưng hiện cũng đã có khá đông chị em phụ nữ thôn 1 tham gia và nghề này đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định, mỗi tháng thu nhập bình quân từ công việc kết bình hoa bằng dây chuối khô cũng được khoảng 600 ngàn đồng. Số tiền không nhỏ để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt của các hộ vùng nông thôn. Mô hình làm tóc giả giả ở thôn Tân Vượng là địa chỉ thu hút khá đông lược lượng lao động trẻ, đa số tốt nghiệp phổ thông, chưa có tay nghề và việc làm. Vừa học vừa làm và được trả tiền công trên số lượng sản phẩm đã hoàn chỉnh trong quá trình học. Hiện mô hình dạy và làm tóc giả xuất khẩu đang được các bạn trẻ tin tưởng. Thu nhập của một lao động đã học nghề xong bình quân từ 1-1,8 triệu đồng. Được biết, mô hình này cũng đã giải quyết được việc làm cho khá đông lực lượng thanh niên trẻ không chỉ ở thôn Tân Vượng mà cả những thôn lân cận.

Ngoài ra, Hội LHPN xã Lộc Châu còn tổ chức các chương trình dạy nghề may, nghề điện gia dụng cho con em các gia đình hội viên. Đặc biệt, đã giúp lực lượng thanh thiếu niên của xã có cơ hội học nghề và tìm kiếm việc làm ổn định. Những hoạt động thiết thực và có hiệu quả như thế không chỉ giúp phong trào phụ nữ ở xã Lộc Châu khởi sắc, mà còn tạo điều kiện nâng cao kinh tế hộ gia đình để các hội viên yên tâm gắn bó với công tác hội ở địa phương, giúp giảm phần nào tỷ lệ hộ nghèo của xã Lộc Châu.

Báo Lâm Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video