Phú Quý: Thay đổi hành vi bảo vệ môi trường biển

30/10/2020
“Thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; nâng cao ý thức trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường biển nói riêng và môi trường sống nói chung”. Đây là thông điệp mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Quý chuyển tới hội viên, phụ nữ để xây dựng du lịch Phú Quý theo hướng xanh, bền vững.
Chương trình đổi rác thải nhựa lấy giỏ đi chợ tại Phú Quý.

Bà Bùi Thị Kim Huê – Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Quý cho biết: Cách đất liền 56 hải lý theo hướng đông - đông nam, huyện đảo Phú Quý được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, với phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ và các bãi tắm đẹp. Tuy nhiên, đi đôi với lượng du khách ngày càng tăng là vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải tại nhiều khu, bãi du lịch. Để xây dựng Phú Quý trở thành một điểm đến thân thiện, xanh, xứng với danh hiệu “khu du lịch cấp tỉnh” mà UBND tỉnh vừa công nhận, Hội LHPN đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh huyện phát động phong trào tổng vệ sinh môi trường. Thống nhất hàng quý mỗi tổ chức huy động ít nhất 30 hội viên ra quân vừa làm vệ sinh tại các bãi biển, vừa tuyên truyền nhân dân hưởng ứng chung tay bảo vệ môi trường, đặc biệt là tham gia cùng địa phương thực hiện tốt dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn huyện Phú Quý”.

Trong năm 2020, hội đã tổ chức 3 đợt ra quân làm vệ sinh tại các bãi biển vịnh Triều Dương (xã Tam Thanh), bãi Lạch Dù (xã Long Hải), bãi biển thôn Quý Thạnh (xã Ngũ Phụng) thu gom hơn 95 m3 rác thải. Đồng thời, có nhiều hành động tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của hội viên trong việc nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, như đổi rác thải nhựa lấy giỏ đi chợ; phát động phong trào mỗi người một hành động trong việc phòng chống rác thải nhựa, không xả thải và vứt rác bừa bãi xuống biển.

Chị Đỗ Thị Kim Thao - Chủ tịch Hội LHPN xã Ngũ Phụng chia sẻ: Do thói quen tiện dụng, giá thành rẻ, trong khi túi tự hủy thân thiện môi trường giá cao hơn nên các chị khá ngần ngại khi đề cập đến việc sử dụng sản phẩm thay thế túi nilon. Cho đến khi những clip, tờ rơi về sự nguy hại của rác thải nhựa đối với môi trường được đăng tải, phát thường xuyên trên các kênh truyền thông, zalo hội nhóm các chị mới nhận ra, từ đó hăng hái tham gia vào các tổ bảo vệ môi trường. Rõ nhất là từ năm 2019 đến nay, định kỳ hàng quý và các dịp lễ, tết, các tổ thường xuyên ra quân làm vệ sinh, trồng hoa tại một số tuyến đường, khu vực chợ, bờ kè. Còn trong sinh hoạt hàng ngày các chị đã sử dụng giỏ nhựa đi chợ, đựng thức ăn bằng cà mèn hoặc hộp thủy tinh, sắm sọt rác có nắp đậy, tái chế đồ dùng nhựa làm bình, lọ trồng hoa, cây xanh. Điều đáng nói là những kiến thức về cách để rác đúng nơi quy định, phân loại rác được phổ biến rộng rãi từ các em nhỏ đến những người lớn tuổi...

Không dừng lại ở tuyên truyền, Hội Phụ nữ còn phối hợp với tổng đại lý và 2 đại lý ở huyện chuyên cung cấp túi sinh học tự phân hủy, tặng túi và giới thiệu sản phẩm tại các điểm chợ để chị em dùng thử nâng cao ý thức, mua sử dụng lâu dài.

Những tác hại của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống ngày càng nặng nề, mà nguyên nhân chủ yếu do chính con người đã tác động quá nhiều đến môi trường. Vì thế, câu chuyện thu gom xử lý rác thải hay truyền thông bảo vệ môi trường được chính quyền, đoàn thể huyện Phú Quý xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, để mỗi người dân là một đại sứ môi trường, vì một cuộc sống xanh.

baobinhthuan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video