Phú Yên: Nỗ lực góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

03/02/2021
Tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp không chỉ thực hiện bình đẳng giới mà còn nhằm phát huy vai trò và sự đóng góp quan trọng của phụ nữ vào sự phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc đổi mới đất nước.
Hội LHPN tỉnh Phú Yên phối hợp với Tổ chức Nhân dân Australia vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại tại Việt Nam (APHEDA Việt Nam) tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026”.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp, thời gian qua các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Yên đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tích cực sẵn sàng tham gia các hoạt động bầu cử, đặc biệt là phát huy vai trò trong giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, phối hợp với cơ quan trong bầu cử ở mỗi cấp dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng phụ nữ trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần một.

Song song với đó, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nữ ứng cử đại biểu HĐND các cấp như tập huấn kiến thức, kỹ năng cho ứng cử viên lần đầu, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các lãnh đạo nữ, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu với nữ ứng cử đại biểu HĐND các cấp...

Đặc biệt, từ năm 2017, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển Hải ngoại (Union Aid Abroad - APHEDA) triển khai dự án “Thúc đẩy Bình đẳng giới và Nâng cao năng lực phụ nữ tham chính”, thành lập và hỗ trợ hoạt động CLB Nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh và mạng lưới nữ HĐND cấp xã huyện Đồng Xuân và Phú Hòa, qua đó nâng cao năng lực cho nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện Phú Hòa và Đồng Xuân.

Mặc dù vậy, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND những nhiệm kỳ qua ở một số địa phương vẫn chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Chính vì vậy, để góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN các cấp xác định nghiêm túc sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ vai trò và có trách nhiệm ở tất cả các khâu trong công tác bầu cử. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phù hợp với các đối tượng phụ nữ, nhất là các hội viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển của tỉnh nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho phụ nữ trong bầu cử, vị trí vai trò của người đại biểu nhân dân... Đặc biệt chú trọng tuyên truyền về bình đẳng giới, vị trí, vai trò đóng góp của phụ nữ trong xã hội. Tập trung tuyên truyền về những đóng góp của các nữ đại biểu HĐND các cấp đối với địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm và niềm tin của cộng đồng đối với các nữ ứng cử viên. Vận động hội viên, phụ nữ trực tiếp đi bầu cử, sáng suốt lựa chọn ứng cử viên đủ tiêu chuẩn bầu vào HĐND các cấp; cung cấp cho hội viên, phụ nữ các thông tin liên quan đến bầu cử như: Thông tin về danh sách ứng cử viên, số lượng đại biểu được bầu; ngày giờ địa điểm bỏ phiếu và các nguyên tắc cần nhớ khi đi bầu cử; nghiên cứu kỹ danh sách người ứng cử trước khi bỏ phiếu; các tiêu chí để lựa chọn người đại biểu xứng đáng…

Hội LHPN các cấp làm tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc tham gia các bước hiệp thương để thống nhất cơ cấu, thành phần và lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Người đứng đầu tổ chức Hội các cấp tham gia đầy đủ và có trách nhiệm các cuộc hiệp thương, nắm vững yêu cầu cần đạt được của từng cuộc hiệp thương theo quy định của pháp luật, bảo đảm danh sách sơ bộ cũng như danh sách chính thức người ra ứng cử phải đạt tỷ lệ nữ theo quy định.

Cụ thể:

Tham gia hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính, cấp dưới trên địa bàn.

Tham gia hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cùng cấp tổ chức để lập danh sách sơ bộ những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ứng để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Sau khi hiệp thương lần thứ 2, Hội LHPN các cấp tổ chức hội nghị Ban Thường vụ để dự kiến người của tổ chức mình giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Tham gia Hội nghị hiệp thương lần thứ ba do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương đủ tiêu chuẩn ứng được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cấp Hội tham gia đầy đủ các cuộc giám sát bầu cử của Hội đồng, Ủy ban bầu cử và thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát theo quy định; đồng thời tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức mình; Tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các tấng lớp phụ nữ tham gia các buổi họp tiếp xúc cử tri để giới thiệu người ứng cử, nhận xét người ứng cử đại biểu Quốc Hội và HĐND các cấp; Tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương, tích cực tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Trần Thị Binh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video