Quách Thị Trang - Liệt sĩ tuổi 15

05/08/2017
Quách Thị Trang là nữ sinh trẻ nhất của Sài Gòn đã anh dũng ngã xuống trước họng súng quân thù trong một buổi sáng mùa thu năm 1963 trước cửa chợ Bến Thành.

Nữ sinh Quách Thị Trang sinh năm 1948 tại làng Cổ Khúc, quận Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình (nay là Đông Hưng, Thái Bình), là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh em. Thân phụ của bà là ông Quách Văn Bội, thân mẫu là bà Hà Thị Vân.

Năm 1954, sáu anh em của Trang đã theo mẹ vào Nam sinh sống, riêng cha bà bị kẹt ở lại miền Bắc và khoảng 3 tháng sau, mẹ con được tin báo ông đã từ trần.

Vào Nam, gia đình bà sống ở vùng Chí Hòa, Sài Gòn trong xóm lao động nghèo. Nhờ siêng năng và tảo tần buôn bán nên người mẹ đã nuôi các con học hành. Quách Thị Trang được học trường tư thục Trường Sơn, sau giờ học mấy anh em phụ giúp mẹ buôn bán.

Gia đình Trang là gia đình Phật tử rất mộ đạo nên cuộc sống hiền lương được thấm trong máu các anh em từ tấm bé. Cô bé Trang từ nhỏ đã rất hiếu thuận và thương người.

Sự việc bắt đầu từ sự kiện ngày 6/5/1963, khi Tổng giám mục Ngô Đình Thục (anh Tổng thống Ngô Đình Diệm) đi thăm nhà thờ La Vang - Quảng Trị trước lễ Phật Đản hai ngày. Lúc này khắp nơi treo đầy cờ Phật giáo. Sự việc lập tức được báo lên. Tổng thống Ngô Đình Diệm ra chỉ thị yêu cầu các địa phương không được treo cờ tôn giáo, theo đó, cờ Phật không được treo trong và ngoài khuôn viên sân chùa. Ngày 7/5, trong lúc dân chúng ở Thừa Thiên Huế sửa soạn làm lễ Phật Đản thì cảnh sát đến tận nhà buộc phải hạ cờ Phật giáo. Điều này đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong giới tăng, ni phật tử cả nước ngay trong đại lễ Phật Đản.

Ngày 20/8/1963, các chùa ở Huế và chùa Xá Lợi ở Sài Gòn bị nguỵ quyền đàn áp. Hình ảnh các nhà sư, các tín đồ Phật giáo bị bắt bớ, hình ảnh thảm thương của 8 phật tử thiếu nhi bị xe tăng cán chết không toàn thây trước Đài Phát thanh Huế và ngọn lửa bi hùng của hoà thượng Thích Quảng Đức bừng cháy ngay tại ngã 6 Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt đã làm cho cô gái trẻ Quách Thị Trang nhói lòng, trào dâng ý chí chống lại bạo quyền.

Sáng ngày 21/8/1963, sau khi đánh úp các chùa trong toàn quốc, tổng thống Ngô Ðình Diệm triệu tập nội các và báo tin là quân luật đã được thiết lập giới nghiêm trên toàn lãnh thổ. Ông cũng cho các vị bộ trưởng biết về việc đánh chiếm các chùa và bắt giữ hàng ngàn “bọn tăng ni làm loạn”.

Bộ trưởng bộ Ngoại giao Vũ Văn Mẫu đập bàn lên tiếng phản đối hành động dã man của chính quyền. Ông bỏ buổi họp ra về, cạo đầu để bày tỏ lập trường mình và gửi thư từ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Rồi ông đi tìm các vị giáo sư đại học vốn đồng nghiệp cũ, vận động thành lập “Phong trào trí thức chống độc tài”.

Hành động quả cảm của ông Vũ Văn Mẫu đã châm ngòi cho phong trào sinh viên và học sinh bùng cháy trong toàn quốc. Sáng ngày 24/8/1963, trên 3.000 sinh viên và học sinh tụ tập tại trường Luật khoa Sài Gòn để đón tiếp giáo sư Vũ Văn Mẫu. Họ vây quanh ông Mẫu, hoan hô ông vang dội. Ðồng thời, Ủy ban chỉ đạo tung ra một bản tuyên ngôn mà họ đã biểu quyết ngày hôm trước với những yêu cầu cho chính quyền Ngô Đình Diệm như: Thực sự tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng; Trả tự do cho tăng ni và tín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh và giáo sư hiện bị giam giữ; Chấm dứt tình trạng khủng bố, bắt bớ hành hạ tín đồ Phật giáo; Giải tỏa chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận”.

Bản tuyên ngôn kết thúc bằng những câu sau đây: “Sinh viên và học sinh Việt Nam nguyện đem mồ hôi và xương máu để tranh đấu cho 4 nguyện vọng khẩn thiết trên. Ðồng bào hãy sát cánh cùng chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ quốc”.

Chỉ trong vòng 3 hôm sau ngày chính quyền Diệm - Nhu ra tay đánh úp các chùa, bắt tăng ni Phật tử, phong trào sinh viên và học sinh đã làm rung động Sài Gòn.

Ngày 24/8, Quách Thị Trang và cô bạn học tên Yến nhận được tin, sáng mai sẽ có một cuộc biểu tình ở chợ Bến Thành để tranh đấu cho các thầy và học sinh, sinh viên bị bắt. Quyết tâm nung nấu đã lâu, hai bạn trẻ phấn chấn chờ đợi trời sáng để xuống đường.

Theo sách “Chấn hưng Phật giáo” của Hòa thượng Thích Thiện Hoa soạn năm 1970 mô tả: Sáng ngày 25/8/1963, Trang thức dậy thật sớm rồi xin phép mẹ đến nhà bạn và rủ Yến cùng đi. Hai cô gái trẻ cùng nhau bắt xe taxi chạy đến khu vực chợ Bến Thành.

Trong khi đứng chờ đợi bạn bè xuống đường, từ cửa bên hông chợ, một đám người tay cầm biểu ngữ ùa ra đồng thanh hô vang những câu khẩu hiệu yêu cầu chính quyền thả các tăng ni Phật tử và không được đàn áp tôn giáo.

Lúc này, từ các ngả đường xung quanh khu vực chợ xuất hiệm thêm nhiều nhóm sinh viên học sinh, Phật tử ùn ùn kéo đến công trường Diên Hồng với khí thế ngất trời. Đoàn biểu tình hiên ngang đi tới, vượt qua khỏi mặt tiền chợ Bến Thành. Đến 10 giờ sáng, hàng loạt biểu ngữ được tung ra phía trước chợ Bến Thành.

Cuộc biểu tình của 300 sinh viên, học sinh tại công trường Diên Hồng trước chợ Bến Thành đã được tổ chức một cách tài tình bởi trong tình trạng giới nghiêm, khắp nơi đều có các đơn vị vũ trang canh gác, nhất là tại trung tâm Sài Gòn.

Các trung đội cảnh sát chiến đấu gần đó nghe tin liền kéo tới đàn áp đoàn biểu tình. Bọn chúng lập thành hàng rào chắn chặn bước tiến của đoàn người biểu tình. Chợt nghe 2 tiếng súng nổ vang lên xé rách trời xanh, Yến giật mình quay lại thì nhìn thấy Quách Thị Trang đã ngã gục trên đường nhựa. Bầu trời lúc ấy như nhuộm màu màu đỏ trên nền áo trắng. 10 người biểu tình bị thương, 200 người khác bị bắt nhưng số còn lại vẫn ào ào tới quyết sống còn với bọn ác ôn khát máu.

Trong lúc hỗn độn đó, cảnh sát đã vội vàng mang xác nữ sinh Quách Thị Trang mang đi chôn ở nghĩa trang bộ tổng tham mưu hòng phi tang dấu vết tội ác.

Trong nhật trình của một CIA Mỹ ghi rằng: “25/8/1963: Sinh viên, học sinh biểu tình rất đông trước chợ Bến Thành ủng hộ Phật Giáo. Cảnh sát can thiệp. Có xô xát. Một số người bị thương. Một thiếu nữ bị chết (Quách Thị Trang). 1.380 người bị bắt đưa xuống trại huấn luyện Quang Trung.”

Ngay chiều hôm đó, chính quyền Ngô Đình Diệm ra thông cáo rằng các lực lượng an ninh đã được lệnh nổ súng vào bất cứ đám đông nào tụ họp ngoài công lộ mà không xin phép trước.

Sự hy sinh anh dũng của nữ sinh tuổi 15 Quách Thị Trang trong cuộc biểu tình sáng ngày 25/6/1963 đã làm dấy lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, sục sôi trong giới học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn, làm tiền đề cho sự sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm ngay sau đó. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã viết bài hát ca ngợi gương anh dũng hy sinh của Quách Thị Trang mà mọi học sinh sinh viên lúc đó đều thuộc nằm lòng

“Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng

Giữa khung trời mây mây trắng với trăng thanh

Rồi một sớm có bao nhiêu đầu xanh

Siết tay nhau, giục giã em lên đường…

Tôi với em không hề quen biết

Xót xa nhiều khi viết đến tên em

Vì đại nghĩa, máu em đã hòa thêm

Thắm tô lên trên tà áo trinh nguyên…”

Những câu hát một thời vang dội cả thành phố Sài Gòn, làm xao xuyến bao trái tim sinh viên học sinh thuộc thế hệ thập niên 1960.

Ngày 26/8/1963, sau cái chết của Quách Thị Trang Trang đúng 1 ngày, từ Bruselles (Vương quốc Bỉ), Hội Thanh niên Thế giới đã đánh bức điện về Việt Nam phản đối chính phủ Ngô Ðình Diệm đã tước bỏ quyền tự do dân chủ của thanh niên, sinh viên học sinh Việt Nam.

Năm 1964, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ tang tóc trong vụ ám sát đẫm máu, giới sinh viên học sinh Sài Gòn đã thành lập một ban kiến tạo xây dựng tượng đài Quách Thị Trang. Thành hội sinh viên học sinh Sài Gòn đã quyên góp vận động ủng hộ xây bức tượng thờ người nữ học sinh anh hùng tuổi 15 đặt ngay công trường Diên Hồng trước cửa chính chợ Bến Thành ngày nay với sự chứng kiến của hàng ngàn người dân, phật tử và học sinh, sinh viên thành phố.

 Ảnh minh họa

Tượng đài liệt sĩ Quách Thị Trang


Sau năm 1975, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận Quách Thị Trang là liệt sĩ còn nơi chị hy sinh được chính thức mang tên quảng trường Quách Thị Trang.
Ngày nay, mỗi người đi qua đó đều nhìn thấy bức tượng thân thương đã đi vào lịch sử cùng tên tuổi liệt sĩ Quách Thị Trang như một vì sao sáng mãi trong lòng sinh viên học sinh Sài Gòn và những thế hệ tuổi trẻ Việt Nam.
Cũng từ đó, hàng năm đến ngày lễ Phật Đản, thấp thoáng trong dòng người ngược xuôi qua phố, có những người từng là học sinh, sinh viên năm ấy lặng lẽ đến trước bùng binh trước cổng chợ Bến Thành nhìn tượng Quách Thị Trang để hồi tưởng và tưởng niệm người anh hùng tuổi học sinh.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video