Quân đội Mỹ Latinh rộng cửa đón nữ giới

14/09/2015
Khi thiếu tá không quân Uruguay Maria Eugenia Etcheverry ghi danh vào trường hàng không của quân đội cách đây gần 2 thập niên, cô đã cắt tóc ngắn để tuân thủ những quy định chủ yếu hướng tới các học viên nam. Giờ đây, những người như cô không cần phải rũ bỏ mái tóc, nhiều quy định và quan niệm về phụ nữ trong quân đội đã được cải thiện với số lượng nữ ngày càng tăng trong quân đội các nước Mỹ Latinh.

Etcheverry được xem là người tiên phong khi cô là người phụ nữ đầu tiên trở thành chỉ huy một phi đội lái máy bay gồm 16 nam giới. Đây được coi là hiện tượng hiếm hoi ở khu vực chỉ có 4% quân nhân là nữ. Năm 2002, cô trở thành phi công nữ lái máy bay chiến đấu đầu tiên ở Mỹ Latinh, hàng ngày sử dụng máy bay tấn công A-37 Dragonfly. Khi tham gia Học viện hàng không năm 1997 - năm đầu tiên cho phép phụ nữ hiện diện trong quân đội, cô là 1 trong 2 bóng hồng duy nhất ở trường. Theo cô Etcheverry, ngôi trường hầu như không có chuẩn bị gì để đón nhận sự hiện diện của nữ giới. Cô và người bạn Carolina Arevalo bị “săm soi” như người ngoài hành tinh và bị cắt tóc ngắn bởi quy định tóc không được chạm cổ áo quân phục.

Kể từ khi bắt đầu tham gia vào Học viện quân sự thì Etcheverry luôn tỏa sáng bằng khát khao và đam mê chinh phục bầu trời của mình. Những năm 90, Etcheverry vẫn được xem là một ngoại lệ trong khu vực châu Mỹ Latinh, nơi rất nhiều quốc gia chỉ bắt đầu “mở cửa” quân ngũ cho phụ nữ vào cuối thập niên. Một số nước đặc biệt như Venezuela và Bolivia đã cho phép phụ nữ ghi danh vào các học viện quân sự vào năm 1970.

Trải qua thời gian, mọi thứ đang dần thay đổi và số lượng các nữ quân nhân đã hiện diện ngày càng lớn ở nhiều nước. Theo thống kê của Mạng lưới An ninh và Quốc phòng Mỹ Latinh (Resdal), Argentina, Chile, Cộng hòa Dominica, Uruguay là những nước đi đầu với tỉ lệ phụ nữ chiếm 16%-18% quân nhân. Con số này cao hơn so với Mỹ, nơi chỉ có 15% quân nhân là nữ giới.

Mỹ Latinh cũng đang chứng kiến ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí cấp cao trong quân đội. Argentina, Bolivia, Colombia, Ecuador, Paraguay, Uruguay và Venezuela đều có phụ nữ đảm nhận trọng trách hàng đầu quân đội trong suốt 15 năm qua. Michelle Bachelet – nữ Tổng thống đầu tiên của Chile từng là Bộ trưởng Quốc phòng giai đoạn 2002-2004. Tại Bolivia, bà Gina Reque Teran vừa trở thành người phụ nữ đầu tiên được phong hàm chuẩn tướng.

Mặc dù đạt được tiến bộ đáng kể nhưng theo nhà nghiên cứu Samanta Kussrow của tổ chức Resdal, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là thúc đẩy phụ nữ tạo điều kiện để họ nắm giữ các vị trí cấp cao trong quân đội. Với những phụ nữ trong quân đội, câu chuyện bình đẳng giới vừa là sự hài hước vừa là niềm tự hào và có cả nỗi buồn. Etcheverry, người đã kết hôn và có con, nhớ lại những ngày đầu làm việc với các cộng sự nam giới: “Họ đưa một thợ trang điểm đến dạy chúng tôi. Cuối khóa học, tôi đã sẵn sàng, trang điểm xinh xắn cho một buổi hẹn hò. Họ nhìn thấy và yêu cầu tôi lần sau cứ như thế. Họ bối rối như thể không biết làm gì cho đúng với chúng tôi”. Nhưng Etcheverry, cũng thừa nhận, mọi trải nghiệm điều không hẳn là dễ dàng. “Lúc đó, có rất nhiều sự phân biệt, khoảng cách, không phải bằng lời nói mà hầu hết là hành động. Bạn phải tự chứng minh bản thân”, cô cho biết.

Giờ đây, 15 năm sau khi Etcheverry tốt nghiệp trương quân sự, mặc dù có tới 16% các vị trí cấp cao trong lực lượng không quân của Uruguay là nữ nhưng nước này vẫn chưa có tới 10 nữ phi công quân sự. Tuy nhiên, Etcheverry thừa nhận những gì cô đạt được đang mở cánh cửa cho nhiều người khác, họ sẽ không phải đối mặt với những phân biệt và kỳ thị như cô trước đây lúc gia nhập quân ngũ.

Theo: Báo PNVN (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video