Quảng Bình: Giúp chị em thoát nghèo bằng chiếc nón

02/12/2010
Bằng việc khôi phục nghề nón lá cổ truyền đang bị mai một cũng chính là tạo việc làm, ổn định đời sống cho nhiều phụ nữ tại 3 xã Quảng Phong, Quảng Hưng, Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Dự án do TƯ Hội LHPN Việt Nam triển khai tại đây đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Tăng thu nhập cho phụ nữ

Gia đình chị Nguyễn Thị Lành ở thôn 3 xã Quảng Phong có 9 người, 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Trước đây đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chị và cô em chồng xoay đủ thứ nghề từ làm ruộng, nuôi gà, chạy chợ… nhưng đời sống vẫn bấp bênh và nghèo khó.

Từ khi dự án nón lá triển khai trên địa bàn xã, chị được tham gia các lớp tập huấn về kĩ thuật làm nón từ cơ bản cho đến nâng cao. Thành thạo về kỹ năng và quy trình làm nón, chị dạy lại cho cô em chồng cùng con gái. Hằng ngày, chị cùng em chồng và con gái may nón. Mỗi ngày 3 người làm được 5 chiếc, với giá mỗi chiếc từ 20 ngàn đến 40 ngàn đồng tùy loại. Trừ chi phí, chị thu được khoảng 100 ngàn đồng/ngày. Chị Lành nói rằng, so với các nghề phụ khác thì làm nón nhẹ nhàng hơn nhiều nhưng thu nhập lại ổn định. Cứ cuối mỗi tuần, chị mang nón ra chợ Ba Đồn nhập cho các đại lý thu mua. “Mỗi lần mang nón ra chợ lại được cầm mấy trăm ngàn trong tay, với người nông dân như vậy là phấn khởi lắm rồi”, chị Lành hồ hởi nói.

Chị Nguyễn Thị Thịnh ở thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng lại gắn bó với nghề nón không chỉ vì giúp cải thiện thu nhập mà chính công việc làm nón đã mang lại cho chị thêm niềm vui của sự gắn bó tình làng nghĩa xóm. Chị Thịnh chỉ sống một mình, chồng mất cách đây đã 5 năm còn 4 đứa con đều đi học xa nhà. Hằng ngày, ngoài công việc đồng áng, chị một mình trồng rau nuôi lợn để có thêm nguồn thu nhập gửi cho các con ăn học. Đêm đến, chỉ có mình chị vò võ trong căn nhà rộng. Từ khi có dự án, chị cùng nhiều chị em trong thôn được đi học làm nón. Sau khi thành thục, hằng đêm, thương cảnh chị lủi thủi cô đơn một mình, nhiều chị hàng xóm mang nón sang nhà chị vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ. Ban ngày nhà nào nhà nấy đều bận rộn với việc đồng áng, làm ăn của gia đình mình thì ban đêm chính là thời gian để các chị vừa tranh thủ làm nón, vừa chia sẻ với nhau nhiều tâm tư, tình cảm. Nghề làm nón đã giúp chị Thịnh tăng thu nhập nuôi các con ăn học đồng thời chị cũng hết cảnh cô quạnh.

Thiết thực và bền vững

Dự án “Cải thiện đời sống cho phụ nữ nông thôn thông qua việc phát triển nghề làm nón lá ở 3 xã Quảng Phong, Quảng Hưng, Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch” do TƯ Hội LHPN Việt Nam và tổ chức Marie Schlei (Đức) tài trợ được triển khai từ cuối năm 2008. Thông qua các lớp tập huấn kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao, 255 chị từ chỗ chưa biết nghề nón đã tiếp cận được với nghề và 90 chị làm nón chưa thành thạo được nâng cao tay nghề, cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Từ chỗ chưa biết làm nón và làm chưa khéo, các chị đã thành thạo tất cả các công đoạn kỹ thuật từ chọn lá, xử lý lá đến khâu may nón… sao để có một chiếc nón bền đẹp. Dự án còn hỗ trợ số tiền 600 triệu đồng cho 200 chị vay vốn mua nguyên vật liệu sản xuất. Có vốn, có kỹ thuật đồng nghĩa với việc sản phẩm nón lá của chị em ngày càng hoàn thiện, bán ra thị trường với giá thành ngày càng cao, từ 10 ngàn đến 20, 30 ngàn rồi lên đến 40 ngàn đồng mỗi chiếc. Nhiều chị đã thoát nghèo từ khi có thêm nghề phụ này.

Chị Nguyễn Thị Uyển, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Phong cho biết: Trong số 105 chị phụ nữ nghèo, cận nghèo được tiếp cận hoạt động dự án, được đào tạo nghề làm nón trên địa bàn xã, đến nay đã có 24 chị thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ nghèo toàn xã từ 12% (2008) xuống còn 4,7% (2010). Bên cạnh đó, từ chỗ có 105 chị biết làm nón, hiện tại đã có hơn 300 chị biết làm nghề phụ này để cải thiện đời sống. Ở hai xã Quảng Hưng, Quảng Xuân, trong số 240 chị tham gia dự án, cũng đã có hàng chục chị thoát nghèo.

Từ chỗ tiếp cận với nghề, chị em đã hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng làm. Tại 3 xã, các chị đã hướng dẫn cho hơn 1000 người cùng tham gia làm nón lá. Việc nhân rộng nghề làm nón lá đã góp phần vào việc xây dựng và phát triển nghề, đồng thời giúp giải quyết được nguồn lao động tại chỗ. Chị em ở 3 xã Quảng Xuân, Quảng Hưng, Quảng Phong từ nay có thể chủ động được công ăn việc làm và thu nhập của mình nên vị thế của họ trong gia đình và xã hội được nâng cao. Đây thực sự là một yếu tố thuận lợi để hướng tới mục tiêu bình đẳng giới, nâng cao ý thức cộng đồng về vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

Chị Phí Thị Minh Châu, Trưởng Ban QLDA, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trong thời gian tới, Ban QLDA sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội phụ nữ huyện Quảng Trạch, Hội phụ nữ 3 xã quản lý, tổ chức hoạt động có hiệu quả, nhân rộng các mô hình làm nón lá cho các thành viên trong gia đình và các tổ phụ nữ.”

Hoàng Hương Nhung

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video