Quảng Bình: Nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

22/10/2021
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế và từng bước giảm nghèo bền vững.
Xưởng sản xuất và thu mua khoai deo Như Mận của chị Trương Thị Nhài ở xã Hải Ninh đã giúp đỡ được nhiều chị em phụ nữ nghèo, khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định.

1. "Dám nghĩ", "dám làm" là câu nói cửa miệng của bà con trên địa bàn thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch khi nhắc đến vợ chồng chị Lê Út Bảy. Mặc dù đứng trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ năm ngoái đến nay, trong tay chỉ có nguồn vốn ít ỏi, cuộc sống ngày càng trở nên chật vật. Thế nhưng nhờ sự giúp đỡ của Hội LHPN xã mà gia đình chị đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện.

Từ nguồn vay ưu đãi, chị Út Bảy đã mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, cách làm mà hiện trên địa bàn huyện rất ít người dám đầu tư. Cuối năm 2020, sau một thời gian tìm tòi, học hỏi trên mạng Internet, hai vợ chồng chị Bảy quyết định đặt mua lươn giống về nuôi thử.

Thời gian đầu, vợ chồng chị rất lo lắng vì đây là vật nuôi mới, không những cần sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong cách chăm sóc mà còn phải chú ý đến sự thay đổi của thời tiết. Bởi, lươn chỉ thích nghi với thời tiết nắng ấm. Nhưng nhờ cần cù, chịu khó, đến nay, sau 8 tháng nuôi, 10.000 con lươn giống của chị đã phát triển rất nhanh. Dự kiến, lứa lươn đầu tiên sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 4 này với tổng sản lượng ước đạt khoảng 2 tấn.

Theo bà Lê Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Trạch, nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế được hội quan tâm và chú trọng hàng đầu. Nhờ vậy, đã có nhiều mô hình, gương điển hình trong phong trào khởi nghiệp, từng bước khẳng định sự phát triển của các mô hình kinh tế lớn do phụ nữ làm chủ. Đó cũng là những điểm sáng trong việc thực hiện nhiệm vụ của Hội, đóng góp lớn vào lộ trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.

"Hiện nay, Quảng Trạch có 535 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi do phụ nữ làm chủ, có thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng. Có thể nói, đây là lực lượng hùng hậu, quan trọng, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, qua đó, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới", bà Hồng cho biết.

Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng của chị Lê Út Bảy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình

2. Cũng nhờ được hỗ trợ vay vốn, nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Quảng Ninh cũng đã mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Chị Trương Thị Nhài (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết: Được sự giúp đỡ của Hội LHPN xã mà gia đình chị đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện từ chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là 50 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này, chị đã mở được xưởng sản xuất, thu mua khoai deo, giúp đỡ được nhiều chị em phụ nữ nghèo, khó khăn có việc làm, thu nhập ổn định.

Theo Hội LHPN xã Hải Ninh, nhờ mô hình trồng và chế biến khoai deo của chị Nhài mà phần lớn hội viên phụ nữ có thêm việc làm trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đó chung tay vào mục tiêu giảm nghèo bền vững...

Bà Dương Thị Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh cho biết: Một trong những điểm nổi bật trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế ở Quảng Ninh là đã xây dựng thành công nhiều mô hình chỉ đạo điểm về phát triển kinh tế.

Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, các cấp Hội trong tỉnh Quảng Bình đã chủ động khai thác các nguồn lực, tạo điều kiện cho lao động nữ nông thôn tham gia các khóa đào tạo nghề và khai thác các nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với 48 hội viên tham gia; hỗ trợ vốn vay cho 5 mô hình, hợp tác xã, tổ hợp tác với trị giá 350 triệu đồng. Hội còn phối hợp với Quỹ "Cộng đồng phòng tránh thiên tai" khảo sát cho vay vốn hỗ trợ sinh kế và làm nhà chống lũ cho 20 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 500 triệu đồng...

Bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội LHNP tỉnh, cho biết, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của hội viên, phụ nữ; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình của tỉnh. Đặc biệt, hội tập trung triển khai đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" giai đoạn 2017-2025; tiến hành kiểm tra, giám sát về hoạt động nhận ủy thác cho vay nhằm bảo đảm cho chị em phụ nữ có nguồn lực ổn định để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn khó khăn này.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video