Quảng Bình: Thu hút phụ nữ dân tộc thiểu số đến với tổ chức Hội bằng những việc làm cụ thể, phù hợp

10/03/2020
Công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào tổ chức Hội luôn được Hội LHPN tỉnh Quảng Bình coi là một nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh; triển khai nhiều giải pháp, tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, hướng hoạt động về cơ sở đặc thù nhằm thu hút ngày càng đông hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia và gắn kết với tổ chức Hội.
Sinh hoạt hội viên tại bản Hưng, xã Trọng Hóa

Đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 27.707 người, sinh sống tập trung ở 106 thôn bản, thuộc 17 xã miền núi, vùng cao, biên giới, 4.615 hội viên/11.064 phụ nữ dân tộc thiểu số, sinh hoạt ở 153 chi hội. Phần lớn chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trình độ dân trí còn thấp, đời sống vẫn nhiều khó khăn, việc tiếp cận thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hạn chế.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung hướng hoạt động về cơ sở, chú trọng đặc điểm vùng miền, tập quán của đồng bào các dân tộc; Các cấp Hội đầu tư nguồn lực, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở đặc thù, những nơi có tỷ lệ thu hút hội viên thấp, tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân để tìm ra giải pháp cụ thể, phù hợp. Đối với những địa bàn đi lại khó khăn, Hội cử cán bộ chuyên trách bám nắm địa bàn, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ; hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy con cái và tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo, giải thích cho chị em những vấn đề chị em quan tâm, vướng mắc, từ đó giúp chị em có cơ hội tiếp cận thông tin tốt hơn, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thấy được lợi ích khi tham gia sinh hoạt Hội.

Chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là cách làm thiết thực, cụ thể nhất để thu hút chị em tham gia tổ chức Hội. Thông qua 72 nhóm “Tiết kiệm vay vốn thôn bản” tại 15 xã, số tiền tiết kiệm đạt hơn 600 triệu đồng, các cấp Hội đã bình xét, hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không lấy lãi hoặc vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Phong trào “Giúp nhau có địa chỉ” được nhân rộng trong các tổ chức Hội vùng dân tộc. Với phương châm ‘‘cầm tay chỉ việc”, các chi/tổ đã phân công hội viên hướng dẫn, giúp nhau thay đổi nếp nghĩ, cách làm để cùng nhau thoát nghèo. Từ nhiều nguồn lực và cách làm khác nhau, năm 2019, các cấp Hội đã bàn giao 08 “Mái ấm tình thương” trị giá hơn 250 triệu đồng cho hội viên, phụ nữ dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.

Hội LHPN các cấp cũng đã sáng tạo, tìm tòi để đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút hội viên dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng các mô hình phù hợp với từng địa phương như: “Tổ ấm gia đình không thuốc lá” ở Lệ Thủy; CLB “Phòng, chống tác hại thuốc lá”, “Tiết kiệm vay vốn thôn bản” ở Quảng Ninh; “Giáo dục tiền hôn nhân và hạn chế hôn nhân cận huyết thống”, “Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” ở Minh Hóa...

Với những cách làm hết sức cụ thể và thiết thực, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình quyết tâm xây dựng tổ chức Hội xứng đáng là địa chỉ tin cậy, là nơi để phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng tự giác, mong muốn được tham gia và gắn kết lâu dài. Đó cũng được coi là tiền đề để duy trì và phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Bích Thảo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video