Quảng Nam có một đàn bò "tình nghĩa"

03/12/2005
Không sốt giá đến mức 25 triệu đồng một con bò nái như ở một số tỉnh miền Nam nhưng chuyện con bò sinh lợi ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) hơn một năm nay vẫn luôn thu hút sự chú ý của nhiều người trong vùng.

Việc nuôi bò để xóa đói giảm nghèo đã phát triển thành một phong trào rầm rộ từ khi những phận đời nghèo khó ở đây thoát đói nghèo nhờ được một người con của quê nhà đang ở TP Hồ Chí Minh quay về giúp vốn mua bò cho gần cả trăm hộ nghèo...

 

Bò “bội sinh”


Không giấu được niềm vui, chị Huỳnh Thị Cảnh (thôn Chiêm Sơn) đi như chạy khi dẫn chúng tôi đến thăm đàn bò của nhà chị đang ăn rong nơi biền cỏ dọc bờ sông Thu Bồn. Đàn bò của chị hiện chỉ còn một bò mẹ đang có chửa và một bò nái tơ lai, nhưng theo chị nếu hô bán ở thời điểm này chị sẽ có trong tay 15 triệu đồng.

“Cứ nghĩ đến khoản tiền mình có được từ đàn bò, vợ chồng tui mừng đến không ngủ được. Chỉ mới đúng hai năm chứ có lâu lắc chi mô, với khoản vốn không lãi mà “anh Ba ở Sài Gòn” cho mượn, từ hai tay không nay mình có trong tay đến 15 triệu đồng. Không có con bò, cả đời vợ chồng tui không biết đến chừng mô mới nắm trong tay được khoản tiền lớn thế ni...” . Chị cho biết cái may của chị là con bò nái qua hai lần sinh đều cho chị hai bê cái nên có giá gấp đôi giá bê đực cùng tuổi.


Nhưng dù bò nái có sinh rặt nghé đực, chỉ hai năm tậu nuôi từ khoản vốn được giúp (3 triệu đồng), nhiều người nay cũng vẫn có được khoản lãi ròng trên 10 triệu đồng.


Phó trưởng thôn Chiêm Sơn Phan Ngọc Dũng cho chúng tôi xem đàn bò hai con rồi tự lượng giá: “Chỉ tính con bê đực với giá 4 triệu đồng, con bò mẹ đang có chửa với giá 8 triệu đồng tui đã có trong tay 12 triệu đồng. Còn khoản vốn mượn 3 triệu đồng thì coi như đã xong khi tui bán con bê đực đầu tiên với giá 2,9 triệu đồng hồi cuối năm ngoái...”.


Khó tin hiệu quả của việc nuôi bò mà mỗi hộ nghèo ở Duy Trinh có được chỉ trong vòng hai năm nếu không được nghe chính những con người đã thoát được khó nghèo từ những đồng vốn đầy nghĩa tình này kể lại. Anh Huỳnh Thành (thôn Thi Lai) mừng đến ứa nước mắt: “Nói thiệt, từ cha sinh mẹ đẻ đến chừ vợ chồng tui mới có được khoản tiền lớn thế ni trong tay. Với cái nghề chài lưới trên sông có ngày không đủ gạo nấu, tui cũng như những bạn nghèo ở đây làm răng dám đi vay năm ba triệu đồng để mua con bò nuôi dù từ lâu mình biết nuôi bò là có lợi...”.


Bà mẹ góa Bùi Thị Mùi (thôn Thi Lai) nài chúng tôi đến cho được bãi chăn giữa đồng xem hai con bò trị giá trên 14 triệu đồng mà cho đến bây giờ ở tuổi 50 chị mới có được. “Có được con bò trong chuồng, bàø con tụi tui ai cũng nói với nhau rằng đây là bò nghĩa bò tình, chỉ có nó mới giúp mình thoát được khó nghèo, phải ra sức chăn giữ để nó giúp mình khá lên, không phụ lòng của anh Ba...”. Đây chính là đàn bò bội sinh bội lợi lần đầu họ thấy được tại quê mình.

 

Thoát nghèo và những dự tính

 

Theo ông Đoàn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Duy Trinh, 75 hộ được “anh Ba ở Sài Gòn” giúp vốn nuôi bò đợt đầu (tháng 11-2002) đến nay cơ bản đã được xóa tên khỏi danh sách hộ đói nghèo của địa phương: “Cái chính là nhờ việc giúp vốn của anh Ba diễn ra đúng thời điểm. Thêm vào là nhờ bà con ai cũng dốc sức cho việc chăn giữ. Có thể nói trước nay chưa có một dự án làm ăn nào với đồng vốn khiêm tốn nhưng lại đạt kết quả cao như thế này. Nó mở ra cho địa phương chúng tôi một cách làm xóa đói giảm nghèo hết sức rộn ràng, sôi nổi”.


Nhưng sung sướng nhất vẫn là những người thực sự thoát được khó nghèo từ đồng vốn quý hóa này. Với ba khung dệt vừa mới được tậu mua đặt trong ngôi nhà tuềnh toàng, niềm vui của vợ chồng anh Trương Văn Long (thôn Đông Yên) như ùa chảy khi kể lại ngọn nguồn bước chuyển cho cuộc sống từ nguồn vốn ban đầu.


“Với 3 triệu được giúp tui thêm vô 1,5 triệu mua được một bò mẹ với một bê con. Nuôi được một năm tui bán cả hai được 10 triệu, lấy ra 6 triệu mua 2 khung dệt, còn lại mua một bê con để nuôi, nay trị giá được 8 triệu. Với 3 khung dệt, mỗi tháng vợ chồng tui dệt kiếm được chừng 800 ngàn đồng. Đúng là con bò đẻ ra khung dệt, đẻ ra công việc cho vợ chồng nhà tui. Có bò, có khung dệt, mình chăm chỉ làm ăn chắc chắn sẽ khá lên thôi...”, anh Long hân hoan nói bên khung dệt đang chạy ầm ào.


Thoát được khó nghèo, vợ chồng chị Huỳnh Thị Cảnh lại có một toan tính mới cho cuộc sống khá thiết thực nhưng cũng khá cảm động: “Vợ chồng tui chưa nghĩ đến chuyện sửa sang nhà cửa. Mái tôn phên nan thế ni là được rồi. Chỉ muốn gầy được đôi ba bò nái, ra sức chăn giữ để lấy tiền nuôi thằng con thứ nhì ăn học đến nơi... Nó học giỏi, thủ khoa lớp 9 hồi năm ngoái. Phải cố để nó vào đại học, đừng như thằng anh nó, lớp 8 phải nghỉ học, vô Sài Gòn làm thuê miết đến chừ”.

Nhưng chuyện vượt khó từ con bò được giúp cảm động nhất có lẽ là trường hợp của anh Nguyễn Bảy (thôn Đông Yên). Bị cụt hai chân và một tay, vợ bỏ đi từ lâu, anh phải nuôi mẹ già và hai con ăn học, gần hai năm nay khoản lợi từ con bò đã giúp anh bớt được nhọc nhằn trong nỗi lo cơm áo.


Không dám nuôi lâu để có được lợi nhiều như bà con, anh lê la cùng đồng khắp bãi vỗ béo con bò, chừng vài tháng thấy lợi được chừng triệu bạc là anh lại bán bò đi để lấy đồng lãi ra chi tiêu, rồi mua lại con khác để chăn giữ và cứ bán quay vòng như thế. “Có con bò hai năm nay cái chân cái tay tui như hết cụt. Tính ra tui kiếm được gần chục triệu từ con bò, bà già no được miếng cơm, sắp nhỏ có được cái chữ là nhờ con bò. Không có con bò cả nhà tui chắc là chìm mãi trong cái khổ”.

 

Và tấm lòng của “người con xa xứ”

 

“Anh Ba ở Sài Gòn”, cái tên được bà con ở Duy Trinh quen gọi, người đã giúp vốn cho các hộ nghèo ở đây nuôi bò hai năm nay chính là anh Võ Quang Ba, quê ở thôn Đông Yên, hiện đang là chủ cơ sở nhuộm định hình Hưng Thịnh ở phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi được gặp anh ngay tại Duy Trinh khi anh về thăm những người được anh giúp vốn.

“Nghe mấy anh lãnh đạo xã điện vô nói việc chăn nuôi của bà con đạt kết quả, tui mừng, muốn về thăm bà con nhưng lại bận quá, định vài tháng nữa mới có thể về được. Nhưng khi nghe thông tin bò vàng (bò lai) sốt giá, mà bà con ở quê mình thì phần đông nuôi bò vàng, tui phải vội về bàn với anh em ở xã coi ngó sâu sát hơn để bà con khỏi bán hớ giá, động viên họ cố chăn giữ cho tốt, cố mà gầy cho được đàn bò lai để có lợi nhiều hơn...”, anh Ba hồ hởi.


Cùng chúng tôi đi thăm những hộ nghèo được mình giúp vốn nuôi bò, nhiều lần anh đã ứa nước mắt khi nghe bà con nói lên khoản lợi họ có được sau hai năm nuôi bò. “Nghe mấy anh ở xã nói người nuôi bò qua hai năm đã một lời được hai, tui với bà xã và các con đã mừng quá lắm rồi. Chừ về đây nghe bà con nói là sau khi hoàn vốn lại cho tui, mỗi hộ nuôi bò ai cũng có được trên 10 triệu tui càng mừng hơn.


Nói thật, những năm 1988 - 1990 tôi phụ trách kinh doanh ở SCITEC - Công ty Dịch vụ khoa học kỹ thuật (TPHCM) có lúc mang lãi về cho công ty đến 2 triệu đôla một lúc nhưng tôi chưa thấy sướng lòng như bây chừ. Là bởi chừ mình giúp được cho bà con ở quê mình thoát được khó nghèo để từng bước vươn lên làm giàu. Mình cũng đã một thời khó nghèo, khổ sở nơi mảnh đất này cũng như nơi xứ người...”, anh Ba tâm sự.


Thao thức trước nỗi khó nghèo của bà con sau mỗi lần về thăm quê, mấy năm qua anh đã tính quay về mở một nhà máy làm gạch hay một xưởng may để giúp bà con có được việc làm, giảm đi khó khổ. Nhưng rồi bàn qua tính lại, anh thấy cả hai đều khó thực hiện được tại địa phương. Vậy là lại quay về cùng với lãnh đạo địa phương bàn tìm kế sách.


Và dự án cho 108 hộ nghèo vay 324 triệu đồng không lãi trong hai năm với mức 3 triệu đồng/hộ để mua bò nuôi đã ra đời vào tháng 11-2002 với sự giúp sức quản lýù của chính quyền địa phương. Nhưng một sự cố không may đã xảy đến. Trong danh sách 108 hộ được anh Ba giúp vốn có 33 hộ vẫn chưa được nhận tiền, do anh Ba bị cháy một phân xưởng gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng hồi tháng 10-2003.


Nhưng, như anh Ba dự tính, trong tổng số vốn được bà con hoàn lại khi đáo hạn vào tháng 11-2004 này, anh sẽ giải tiếp cho những hộ nghèo còn lại được mượn. “Đã hứa với bà con là phải làm. Đã giúp cho quê nhà, cho bà con thoát nghèo vượt khó mình không nên tính toán thiệt hơn. Dù giá vàng có tăng nhanh, dù đồng tiền có rủi sụt giá, vợ chồng tui vẫn vui khi thấy bà con nghèo ở quê mình ngày một khá lên qua sự giúp sức của mình...”, anh Ba hân hoan nói.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video