Quảng Ngãi: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

17/12/2013
Những năm gần đây, Hội Phụ nữ các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nữ ở khu vực nông thôn. Trong đó, chú trọng đến giải quyết việc làm sau đào tạo, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Mô hình này đã bước đầu mang lại hiệu quả cho hội viên hội phụ nữ ở xã Phổ An (Đức Phổ).

Sau khi hoàn thành khóa học nghề ngắn hạn (hơn 3 tháng) do Trường Trung cấp Nghề huyện Đức Phổ tổ chức tại xã, chị Nguyễn Thị Nở, ở thôn Hội An 2 đã có việc làm và thu nhập tương đối ổn định. Có tay nghề vững vàng, chị Nở đã biết tự vá, tự mổ, tự cắt từng miếng lưới đánh bắt hải sản của gia đình mà không cần thuê thợ làm. Trước đây, để có tấm lưới đẹp, gia đình chị toàn phải thuê thợ làm, nhưng giờ đây mỗi khi chồng kết thúc phiên biển, chị đã tự tay vá lưới.

Chị Nở cho biết: Bây giờ vá lưới rành lắm rồi, có kỹ thuật nên tấm lưới đẹp hơn và đánh bắt cũng hiệu quả hơn nhiều. Vì khi biết được kỹ thuật thì mình sẽ vá những điểm nối nhỏ hơn, mảnh hơn nên cá không phát hiện. Trước đây, chưa học thì vá theo thói quen, những điểm nối rất to nên khi thả lưới, cá không vô nhiều, hiệu quả không cao. Có nghề, chị Nở còn nhận thêm lưới của người dân trong xã để làm, tăng thu nhập cho gia đình. Mỗi ngày chị Nở có thu nhập 100 ngàn đồng, còn làm thêm tối là 150 ngàn đồng. “Nếu không có nghề thì cuộc sống gia đình rất khó khăn”, chị Nở tâm sự.

Còn đối với chị Võ Thị Tuyết ở thôn An Thạnh thì từ ngày tốt nghiệp lớp may công nghiệp đến nay, chị đã mạnh dạn nhận hàng về may gia công. Chị Tuyết thổ lộ: Trước đây, mình chị ở nhà làm nông, chồng đi biển, xong mùa vụ thì ở không, thu nhập không đáng là bao. Khi xã tổ chức lớp học nghề, mình đăng ký ngay. Có nghề mới, có việc làm, kiếm thêm thu nhập lo cho con, phụ với chồng.

Điều đáng nói là song song với công tác đào tạo nghề may công nghiệp cho hội viên, Hội LHPN xã Phổ An còn xây dựng tổ may gia công. Việc hình thành các mô hình giải quyết việc làm sau đào tạo nghề đã giúp nhiều chị em phụ nữ nơi đây có việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Trong 3 năm qua, Hội LHPN xã Phổ An đã tổ chức 9 lớp dạy nghề 240 hội viên. Trong đó, có 5 lớp may công nghiệp; 2 lớp phòng chống dịch bệnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; 1 lớp bảo vệ thực vật và 1 lớp vá lưới.

Chị Phạm Thị Bé - Chủ tịch Hội LHPN xã Phổ An cho biết: Do đặc thù là xã vừa là nông nghiệp vừa là ngư nghiệp nên khi tổ chức đào tạo nghề cho hội viên cũng phải căn cứ vào thực tế tại địa phương và nghề nghiệp chính của gia đình từng hội viên. Số hội viên được đào tạo nghề thời gian qua là 240 người, trong đó 200 người đã có việc làm, thu nhập ổn định. Việc tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn ở xã đã có hiệu quả bước đầu, giúp gia đình hội viên tự tổ chức việc làm ổn định và nâng cao thu nhập. Đây cũng là  cách làm khá hiệu quả, cần được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.

Theo baoquangngai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video