Quảng Ngãi: Nghề làm chổi đót truyền thống tạo việc làm ổn định cho phụ nữ

16/06/2022
Đến với làng nghề chổi đót ở xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), không mấy xa lạ khi bắt gặp hình ảnh các bà, các chị tay đang thoăn thoắt xé đót, buộc chổi, trò chuyện râm ran. Làng nghề truyền thống làm chổi không chỉ mang lại đời sống khấm khá cho người dân nơi đây mà còn góp phần gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa.
Nghề làm chổi đót đòi hỏi sự khéo léo mới cho ra đời những cây chổi vừa bền, vừa đẹp

Nghề chổi đót đã trở thành một nét đẹp văn hóa riêng, ăn sâu vào tiềm thức của người dân xã Phổ Phong. Từ người già đến trẻ nhỏ, không kể gái hay trai, ai cũng biết làm chổi đót. Nghề này chủ yếu sản xuất thủ công theo hộ gia đình, không đòi hỏi trình độ cao, tuy nhiên cũng cần sự cần cù, khéo léo mới cho ra đời những cây chổi vừa bền, vừa đẹp. Vừa thoăn thoắt bó từng bó đót, bà Nguyễn Thị Xuân, ở thôn Gia An, xã Phổ Phong cho biết, từ 5 – 6 giờ sáng nhiều gia đình trong làng đã thức dậy tập trung về các cơ sở làm chổi để kịp cung cấp cho khách. Bà Xuân gắn bó với nghề quấn chổi đót gần 20 năm, bình quân mỗi ngày bà làm được từ 80 – 100 cây chổi kẽm truyền thống với mức thu nhập hàng tháng 3 – 5 triệu đồng.

“Muốn có một cây chổi đót bền, đẹp thì chất lượng đót là yếu tố đóng vai trò quyết định. Nguồn nguyên liệu được lấy ở khu vực miền núi Quảng Ngãi và các tỉnh khác sau đó mang đi phơi khô, công đoạn này quyết định đến chất lượng và độ bền của cây chổi nên đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Tùy thuộc vào thời tiết và kinh nghiệm để xếp lớp dày hay mỏng, thời gian phơi ít hay nhiều”, bà Xuân cho hay. Đót sau khi phơi được xé đọt, phần bông sau khi tách sẽ được bó lại thành từng bó rồi buộc lọn, từ đó bện thành cây chổi, tưởng chừng đơn giản nhưng công đoạn này cần thao tác nhanh, chính xác và đẹp. Thị trường tiêu thụ chổi đót mạnh nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ và xuất khẩu sang các nước Singapore, Indonesia, Thái Lan. Nghề làm chổi đót đã tạo việc làm ổn định cho lao động nông nhàn, nhất là chị em phụ nữ, người già tại địa phương, với mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 3 – 7 triệu đồng/người.

Chị Nguyễn Thị Lê cũng nổi tiếng bởi nghề làm chổi đót truyền thống ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Phong. Mỗi ngày, cơ sở của chị có không dưới 10 lao động, ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia vào các công đoạn bóc tách, phân loại nguyên liệu, bó và bện chổi. Tuy là nghề phụ nhưng đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn thoát nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, nhất là có thể tận dụng được thời gian nông nhàn.

Sản phẩm chổi đót ở Phổ Phong được đưa đi tiêu thụ rộng khắp trong cả nước

“Mấy năm nay, mùa nào chổi đót bán cũng chạy nên các nhà làm chổi ở đây tranh thủ chạy đua với thời gian để cung ứng sản phẩm cho thị trường. Nhờ nghề này mà tôi và nhiều hộ dân trong thôn có nguồn thu nhập ổn định, đời sống khá hơn. Làm nghề này vui nhất là khi thấy sản phẩm hoàn thiện cầm rất chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót”, chị Lê cười nói.

Những năm gần đây, với nhiều chính sách của tỉnh, địa phương về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, nghề làm chổi đót lại có điều kiện mở rộng sản xuất. Hiện nay, toàn xã Phổ Phong có khoảng hơn 600 hộ dân tham gia sản xuất chổi đót, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động tại địa phương, mức thu nhập bình quân từ 3 – 7 triệu đồng/tháng/người. Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Phong cho biết, những năm gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề chổi đót xã Phổ Phong khá thuận lợi, mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tích cực tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ ở trong và ngoài tỉnh để các sản phẩm chổi của địa phương được quảng bá rộng khắp trên thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho phụ nữ và người dân, xây dựng NTM, đồng thời phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video