Quảng Ninh: Nhóm phụ nữ di cư là bộ phận rất cần sự quan tâm, hỗ trợ

10/05/2021
Tiếp tục đợt khảo sát nghiên cứu thực địa phục vụ đề tài độc lập cấp quốc gia "Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù", nhóm nghiên cứu đã làm việc tại tỉnh Quảng Ninh.
Thực hiện phỏng vấn bằng bảng hỏi tại phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long

Thực hiện khảo sát tại thành phố Hạ Long về phụ nữ di cư; thị xã Quảng Yên về phụ nữ cao tuổi, nhóm nghiên cứu đã tổ chức 03 cuộc tọa đàm (01 cuộc cấp tỉnh, 02 cuộc cấp xã) với sự tham gia của đại diện lãnh đạo đảng ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội liên quan;  tổ chức phỏng vấn sâu 14 người là lãnh đạo/cán bộ trực tiếp phụ trách, tham mưu, theo dõi lĩnh vực của các ngành, địa phương; thảo luận nhóm đối với các nhóm đối tượng gồm: phụ nữ di cư, chồng của phụ nữ di cư; phụ nữ cao tuổi và người thân/người chăm sóc phụ nữ cao tuổi;thực hiện phỏng vấn bằng bảng hỏi đối với 340 trường hợp (220 người là phụ nữ di cư và 140 người là phụ nữ cao tuổi).

Theo khảo sát và tổng hợp thông tin, báo cáo cho thấy, phụ nữ di cư từ các tỉnh, thành trong nước đến Quảng Ninh để lao động, kiếm sống chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị (nhất là thành phố Hạ Long). Họ làm các nghề như bán hàng rong, giúp việc gia đình, làm việc tại các nhà hàng ăn uống nhỏ lẻ… Nhìn chung, đời sống của họ còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định, việc tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế. Phụ nữ di cư đang là một bộ phận trong cộng đồng rất cần được quan tâm, hỗ trợ. Hiện nay, tại Quảng Ninh, do tính chất di biến động lớn và liên tục của lực lượng lao động này tại các địa phương nên các cơ quan hữu quan chưa có thống kê đầy đủ, chính xác về số lượng phụ nữ di cư trên địa bàn. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh cung cấp từ kết quả điều tra của Tổng Cục Thống kê Việt Nam tại các tỉnh thành trong cả nước, căn cứ thực tế thường trú vào thời điểm 01/04/2020), tỉnh Quảng Ninh có số lượng người nhập cư là 1.240 (nam là 291, chiếm 23,5%; nữ là 948, chiếm 76,5%, cao gấp 03 lần so với nam giới); số lượng người xuất cư của Quảng Ninh là 4.921 (nam là 1.711, chiếm 34,8%; nữ là 3.210, chiếm 65,2%).

Toạ đàm cấp xã tại xã Hiệp Hoà, thị xã Quảng Yên

Cũng theo số liệu báo cáo thống kê, tính đến 30/10/2020, toàn tỉnh có 160.214 người cao tuổi, chiếm 12,03% tổng dân số toàn tỉnh, trong đó có 71.654 hội viên phụ nữ có độ tuổi từ 56 tuổi trở lên/tổng số 260.774 hội viên phụ nữ, chiếm 27,5%. Người cao tuổi, trong đó có phụ nữ cao tuổi ở Quảng Ninh luôn được quan tâm chăm sóc về đời sống vật chất, đời sống tinh thần và sức khỏe (toàn tỉnh hiện có trên 20.000 người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp xã hội theo Luật người cao tuổi và chính sách của tỉnh với mức trợ cấp cao hơn so với quy định của Nhà nước). Tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình thăm, tặng quà, chúc Thọ người cao tuổi nhân các dịp lễ tết, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; quan tâm xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao cho người cao tuổi tại các địa phương; đồng thời thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, các phong trào thi đua khen thưởng... nhằm động viên, phát huy tốt vai trò, kinh nghiệm, khả năng cống hiến, đóng góp của người cao tuổi đối với gia đình, xã hội.

Những kết quả nghiên cứu, khảo sát tại Quảng Ninh sẽ được nhóm nghiên cứu tổng hợp với các tỉnh, thành nghiên cứu khác để tổng hợp, khái quát thực trạng, nhu cầu của các nhóm phụ nữ đặc thù; kết hợp với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các ban ngành, đoàn thể, địa phương để từ đó, TW Hội LHPN Việt Nam  xây dựng đề xuất với Đảng và Nhà nước các cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ, hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế của các vùng miền, địa phương trong cả nước.

Ban CSPL Quảng Ninh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video