Quảng Trị: Giúp hội viên phụ nữ cảnh giác, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản

16/06/2021
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng.
CLB “Giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hôi - An toàn giao thông” thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang (huyện Gio Linh) tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen (ảnh chụp trước 27/4/2021)

 Đã xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử…, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Trước tình hình đó, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã tập trung tuyên truyền, phổ biến quán triệt đến 156.680 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ về nội dung Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và các văn bản, luật pháp, chính sách khác có liên quan.

Hội đã chủ động phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh về các hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, từ đó giúp chị em nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp tự phòng ngừa, tự bảo vệ.

Trong tình hình dịch Covid -19, các cấp Hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền thông qua trang facebook, nhóm Zalo để kịp thời trao đổi thông tin cũng như nắm bắt tình hình về phòng chống tội phạm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và các văn bản mới về quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện.

Cùng với đó, Hội cũng phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động Thương binh & Xã hội Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh mở 2 lớp tập huấn cho 138 tuyên truyền viên cấp xã, phường, thị trấn; 10  điểm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ 10 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương của huyện Hướng Hóa và Đakrông; tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, trong đó có Luật phòng, chống tội phạm, các văn bản pháp luật khác liên quan trực tiếp đến phòng ngừa xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phòng chống “tín dụng đen”...

Các cấp Hội chủ động nắm tình hình, tích cực phát hiện, tố giác và cung cấp cho các lực lượng chức năng các nguồn tin về các hành vi có dấu hiệu tội phạm; vận động hội viên phụ nữ phòng, chống tội phạm, phòng ngừa “Tín dụng đen” nhất là hiện tượng lô đề, cá cược, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng, cảnh giác, tránh bị lừa đảo về xuất khẩu lao động trái phép, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Đã có 46.820  lượt con em, người thân trong gia đình và cán bộ, hội viên phụ nữ được tiếp cận kiến thức.

Nhận thức rõ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là góp phần hạn chế tình trạng vay tín dụng đen, Hội LHPN tỉnh đã vận động và giải ngân các nguồn vốn cho 490 thành viên vay với số tiền trên 7 tỷ đồng. Các tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm - tín dụng, hợp tác xã TKTD đã huy động tổng số tổng số vốn hơn 100 tỷ đồng cho hơn 39 nghìn chị em vay. Tổng các nguồn vốn dư nợ qua kênh Hội quản lý đến nay đạt gần 1700 tỷ đồng, cho 74.657 hội viên vay. Từ các nguồn vốn vay đã giúp chị em chủ động đầu tư chăn nuôi, sản xuất nâng cao thu nhập, không rơi vào bẫy của tội phạm “tín dụng đen”.

Chị Nguyễn Thị Lành, hội viên phụ nữ khu phố 9, phường 1, thành phố Đông Hà chia sẻ: “Từ khi có nguồn vốn tiết kiệm, tín dụng của Hội thành lập và nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, chị em đã được vay vốn, chủ động đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, không vay vốn qua các kênh không chính thống, góp phần phòng, chống tín dụng đen”.

Phát huy vai trò phụ nữ trong công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội an toàn, bình yên, các cấp Hội tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình phòng, chống tội phạm, mô hình làng quê an toàn để giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, tăng cường công tác phòng chống tội phạm, trong đó có phòng ngừa đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng.

Để đảm bảo an toàn thôn xóm, bảo vệ tài sản các đơn vị đã xây dựng mô hình “Thắp sáng đường quê”, lắp 2 camera an ninh…Nhiều mô hình thiết thực được duy trì, nhân rộng như “Không có con em và người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại Chi hội An Trú, xã Triệu Tài, (huyện Triệu Phong) ; “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật” có tại xã Hải Quế, Hải Sơn, Hải Thành, (huyện Hải lăng); thôn không có tội phạm tại xã Mò Ó (huyện ĐakRông); “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật” thuộc huyện Hải Lăng; mô hình “Giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hôi - An toàn giao thông” thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang (huyện Gio Linh)... Các cấp Hội duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động 250 CLB phòng chống tội phạm, mô hình “Chi hội, tổ phụ nữ không có con em VPPL và TNXH” với 13.848 thành viên.

Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 21/CT của Thủ tướng Chính phủ về  “Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong hội viên, phụ nữ; vận động hội viên phụ nữ tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; phối hợp cảm hóa giáo dục, cảm hoá người từng phạm tội tại gia đình và cộng đồng.                                                               

Phương Thiện

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video