Quảng Trị: Gương phụ nữ vượt lên tật nguyền

06/10/2020
Vượt qua mặc cảm, khó khăn bởi khiếm khuyết một phần cơ thể, chị Lê Thị Yên (sinh năm 1977), ở thôn Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh không chỉ tạo dựng cho gia đình mình một cuộc sống ổn định, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi mà còn là người truyền cảm hứng, động lực cho nhiều phụ nữ khuyết tật khác vươn lên trong cuộc sống.
Chị Lê Thị Yên chăm sóc cây trồng của gia đình - Ảnh: H.T​

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, chị Yên không may bị tật nguyền, chỉ có 1 cánh tay ngay từ khi mới sinh ra. Chị Yên chia sẻ, tuổi thơ của chị là những lần ghé mắt qua ô cửa sổ trường học gần nhà, xem các bạn nữ đồng trang lứa học múa, học đan len, thêu thùa may vá rồi tìm về mảnh vườn con sau nhà khóc thút thít một mình. Nhưng dù số phận có khó khăn, thử thách như thế nào cũng không thể dập tắt khát vọng cháy bỏng, được sống, cống hiến và hòa nhập cộng đồng trong chị. “Tôi luôn nghĩ trong cuộc đời, nếu cứ mãi nghĩ đến khuyết tật của mình mà quên phấn đấu, luôn mặc cảm với bản thân, thiếu tự tin và luôn oán trách số phận thì sẽ chẳng bao giờ học và làm được bất cứ việc gì cả. Với tôi, khuyết tật không bao giờ là lý do để tôi bỏ cuộc mà khiếm khuyết trên cơ thể chỉ là những rào cản trên hành trình đầy cam go trong cuộc sống mà thôi”, chị Yên cho biết.

 Năm 2008, sau khi lập gia đình và sinh con đầu lòng, không cam chịu đói nghèo, vợ chồng chị Yên đã tìm cách phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập gia đình. Nhờ được Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thủy hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh số tiền 30 triệu đồng, tận dụng những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng của địa phương, vợ chồng chị đã tập trung phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, vừa chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, vịt; vừa học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng lúa hữu cơ, sắn, các loại cây ăn quả…

 Thời gian đầu, do còn thiếu kinh nghiệm trong khâu chọn giống và phòng bệnh nên vật nuôi, cây trồng phát triển kém, thường xuyên bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp. Không chùn bước trước khó khăn, vợ chồng chị Yên cố gắng tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt từ những người làm kinh tế giỏi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức. Với tinh thần vượt khó và phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa sản xuất vừa đầu tư, đến nay, gia đình chị đã có mô hình trang trại tổng hợp với 3 ha trồng sắn, lúa hữu cơ; mỗi năm xuất chuồng thêm hàng chục con lợn thịt và lợn nái, trên 100 con gà, vịt các loại… từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

 Với mức thu nhập ổn định từ 130 - 150 triệu đồng/năm, vợ chồng chị Yên đã có cuộc sống ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang, chăm, sóc, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi. Không những mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình, chị còn thường xuyên tìm đến những hoàn cảnh phụ nữ cùng chung cảnh ngộ để chia sẻ, động viên, giúp họ vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

 Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh Ngô Thị Nhàn cho biết: “Những năm qua, hưởng ứng phong trào phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Vĩnh Thủy đã nỗ lực tham gia lao động sản xuất, trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế, làm giàu bền vững. Trong đó, chị Lê Thị Yên là hội viên phụ nữ điển hình. Để đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, mọi người đều phải nỗ lực, nhưng đối với người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng, nỗ lực ấy càng lớn lao, rất đáng ghi nhận.

 Mặc dù bị tật nguyền nhưng chị Yên luôn nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của hội, của địa phương cũng như trong phát triển kinh tế gia đình, từ đó truyền cảm hứng, động lực để nhiều hội viên phụ nữ tự tin vượt qua mặc cảm, làm giàu chính đáng”.

http://baoquangtri.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video