Quảng Trị: HTX, THT khơi dậy tinh thần kinh doanh cho người dân Hải Lăng

30/06/2020
Thời gian qua, nhiều mô hình tổ hợp tác (THT) ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã góp phần quan trọng vào việc tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn, giúp chị em phụ nữ từng bước vươn lên thoát nghèo, thu nhập được nâng cao đáng kể.
THT nước mắm Mỹ Thủy luôn lấy uy tín và chất lượng lên hàng đầu

Tham gia THT

Là một trong những hộ có truyền thống làm nước mắm của làng Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng) đồng thời cũng là Tổ trưởng THT chế biến nước mắm Mỹ Thủy nên sản phẩm nước mắm của chị Phan Thị Nguyên làm ra luôn lấy uy tính và chất lượng làm đầu, được khách hàng gần xa ưa chuộng.

Hiện, cơ sở sản xuất nước mắm của chị Nguyên thu hút được 3 lao động giúp việc thường xuyên, trung bình mỗi ngày chế biến được gần 100 lít nước mắm. Mỗi tháng, gia đình chị Nguyên thu về trên 50 triệu đồng, trừ các khoản chi phí lãi hơn 10 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyên nói: “ Nhà tôi làm nước mắm lâu rồi, nhưng từ khi tham gia THT thì chất lượng sản phẩm được nâng lên, vì khi tham gia THT được tập huấn kỹ thuật chế biến, tham quan mô hình sản xuất của nhiều nơi. Đặc biệt là chúng tôi có việc làm thường xuyên...”.

Theo tìm hiểu, làng Mỹ Thủy có trên 50 hộ có kinh nghiệm làm nước mắm lâu đời, trong đó có nhiều người có tuổi nghề từ 50 năm trở lên. Nhằm phát triển và duy trì nghề chế biến nước mắm, năm 2015, Hội LHPN xã Hải An đã thành lập 3 THT chế biến nước mắm với hơn 20 hộ gia đình hội viên chị em phụ nữ tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động thường xuyên.

Bình quân mỗi tháng chị em trong 3 THT chế biến được gần 1.500 lít nước mắm cung cấp ra thị trường.Theo đó, mỗi tháng thu nhập của thành viên khoảng 5 triệu đồng. Đặc biệt, giá trị doanh thu từ chế biến nước mắm Mỹ Thủy hàng năm đã chiếm hơn 30% tổng giá trị thu nhập hàng năm của xã Hải An.

Việc duy trì và phát triển nghề làm nước mắm ở làng Mỹ Thủy là một hướng đi đúng trong mục tiêu phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của xã Hải An.

Giúp chị em thoát nghèo

Theo báo cáo của Hội LHPN huyện Hải Lăng, toàn hội đã thành lập được 44 mô hình THT và HTX nghề nghiệp với gần 750 thành viên tham gia. Các ngành nghề hoạt động trong các THT và HTX gồm: nghề làm nón lá, làm bánh đa, làm chổi đót, chế biến nước mắm, THT trồng ném, chăn nuôi lợn thương phẩm, nuôi gà, may mặc....

THT nón lá đã giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo, thu nhập ổn định

Trung bình mỗi THT đã tạo việc làm từ 50- 100 lao động nữ ở vùng nông thôn và tạo thu nhập mỗi lao động từ 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi thành lập THT, sản phẩm các ngành nghề sản xuất được tăng lên về số lượng và chất lượng, chị em cũng đã có điều kiện trao đổi kinh nghiệp làm nghề và sản xuất chăn nuôi, trồng trọt.

Từ đó, nhiều chị em phụ nữ đã vươn lên xóa nghèo bền vững, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn. Mô hình THT và HTX nghề nghiệp của phụ nữ Hải Lăng là hướng hoạt động hiệu quả trong mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.

Ngoài việc tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định cho chị em phụ nữ ở nông thôn, các mô hình THT còn thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của chị em phụ nữ, qua đó cùng nhau chung tay xây dựng quê hương ngày một phát triển toàn diện...

Theo đại diện hội LHPN huyện Hải Lăng: “ Đây là cơ sở để chị em phụ nữ nâng cao tay nghề và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, đồng thời tạo việc làm và góp một phần vào chương trình mục tiêu phát triển kinh tế của huyện”.

thoibaokinhdoanh.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video