Quảng Trị: Phụ nữ Cam Lộ nói không với xuất khẩu lao động trái phép

19/06/2020
Những năm gần đây, người lao động nói chung, phụ nữ trên địa bàn huyện Cam Lộ nói riêng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) có xu hướng tăng, một mặt góp phần ổn định kinh tế gia đình, đóng góp đáng kể đối với chương trình phát triển kinh tế địa phương, mặt khác xuất hiện nhiều trường hợp đi XKLĐ trái phép, dẫn đến những hệ lụy, rủi ro khó lường...
Kí kết giao ước thi đua thực hiện mô hình “Phụ nữ Cam Lộ nói không với đi lao động nước ngoài trái phép”

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Cam Lộ đã có 2 trường hợp đi xuất khẩu lao động trái phép tại Đài Loan và Trung Quốc, hiện không liên lạc được với các lao động. Khi đi XKLĐ trái phép, người lao động phải đối mặt với những thiệt thòi, rủi ro, tổn thất nặng nề cả về tài chính, tinh thần, sức khỏe và còn nhiều những tác hại, mối nguy hiểm khác mà bản thân và gia đình không lường trước được. Hình thức xuất khẩu lao động trái phép cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm nhất là loại tội phạm lừa đảo, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài, tội phạm mua bán người...

Với mục đích phòng ngừa việc phụ nữ khi tham gia XKLĐ trái phép có thể trở thành nạn nhân của tội phạm, Hội LHPN huyện đã phối hợp Công an huyện thực hiện mô hình "Phụ nữ Cam Lộ nói không với đi nước ngoài lao động trái phép”.

Mô hình ra mắt vào ngày 19/8/2019, tại xã Cam Nghĩa (là địa phương có số lượng phụ nữ đi XKLĐ cao nhất huyện), với 05 nội dung trọng tâm được xác định thực hiện về công tác tuyên truyền, phòng ngừa đưa người đi lao động nước ngoài trái phép cho 12/12 chi hội trưởng và 30 hộ hội viên ký cam kết thuộc chi hội Quật Xá.

Ngay sau khi ra mắt, Ban chủ nhiệm mô hình đã tổ chức rà soát các đối tượng đang trong độ tuổi XKLĐ, phụ nữ yếu thế, hộ nghèo khó khăn không có công ăn việc làm ổn định để tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu, hướng dẫn HVPN tham gia sàn giao dịch việc làm, các buổi tuyên truyền về XKLĐ được tổ chức tại địa phương, theo dõi thông tin về tuyển dụng lao động trên truyền hình,... để nắm bắt thông tin về thị trường, việc làm, thu nhập, quyền lợi, chính sách của người lao động đang làm việc ở nước ngoài, các thông tin quy định về chi phí xuất cảnh, tuyển dụng lao động trong nước, ngoài nước, các thủ tục khi đi XKLĐ.

Từ khi ra mắt đến nay, các chi hội tham gia mô hình đã tổ chức 15 đợt tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh, hợp đồng lao động, bình đẳng giới, phương thức thủ đoạn của bọn mua bán người dưới hình thức môi giới việc làm... tại 08/08 xã, thị trấn, với gần 1000 lượt phụ nữ tham gia.

Hội LHPN huyện cũng đã chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền cho người dân về thực trạng người dân đi lao động nước ngoài trái phép, nâng cao cảnh giác trước hoạt động môi giới đưa người ra nước ngoài lao động trái phép. tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2019 tại TT Cam Lộ qua đó giúp cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn huyện nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng ứng phó khi gặp nguy cơ và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân nắm được địa chỉ tin cậy, liên hệ trực tiếp Phòng Lao động - TB&XH huyện, Sở Lao động - TB&XH để nắm thông tin về các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ. Đồng thời nâng cao cảnh giác về việc môi giới hôn nhân bất hợp pháp nhằm đưa người đi lao động nước ngoài trái phép, nhất là các trường hợp môi giới kết hôn với người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... Khuyến cáo người dân trước khi kết hôn có yếu tố nước ngoài cần liên hệ với Sở Tư pháp tỉnh để được hướng dẫn cụ thể.

Sau 06 tháng đi vào hoạt động, mô hình “Phụ nữ Cam Lộ nói không với đi nước ngoài lao động trái phép” đã phát huy hiệu quả tích cực, được người dân và phụ nữ trên toàn huyện đồng tình ủng hộ. Số phụ nữ đi lao động trái phép nước ngoài có chiều hướng giảm, thuyết phục 02 phụ nữ tại khu phố 9 TT Cam Lộ từ bỏ ý định đi lao động tại Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, vận động thuyết phục 63 trường hợp lao động nữ từ Trung Quốc trở về địa phương (thông qua gia đình người lao động). Nhiều gia đình đang có ý định cho con em tham gia XKLĐ khi được tiếp cận những thông tin từ người thật, việc thật đã cảm thấy tin tưởng hơn, từ đó không nghe những lời dụ dỗ để đi XKLĐ theo con đường tiểu ngạch. Bản thân phụ nữ khi được tuyên truyền, vận động tiếp cận được các thông tin chính thống về XKLĐ đã vận động chồng, con, người thân không đi XKLĐ trái phép.

Thanh Huyền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video