Quảng Trị: Sản xuất thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng

09/06/2020
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, nhận thức của hội viên, phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây.
Giới thiệu thực phẩm an toàn do hội viên, phụ nữ sản xuất đến người tiêu dùng

Hiện nay, một trong những vấn đề được toàn xã hội quan tâm đó là vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Chưa bao giờ, việc phòng chống thực phẩm bẩn, đảm bảo VSATTP vì một nguồn thực phẩm sạch lại được các cấp, ngành quan tâm và đẩy mạnh thực hiện như hiện nay. Với sự vào cuộc tích cực của Hội LHPN các cấp, nhận thức của hội viên, phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. 

Từ khi được hội phụ nữ tuyên truyền về VSATTP, chị Nguyễn Thị Chạy, hội viên phụ nữ thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó (Đakrông) luôn quan tâm đến vấn đề ATTP trong quá trình sản xuất. Chị Chạy cho biết: “Ở địa phương, hội viên, phụ nữ chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm trực tiếp mà chúng tôi sản xuất ra gồm lúa, lạc, đậu đỗ các loại. Đa phần nông sản sản xuất được đều bán cho thương lái, một phần nhỏ các hội viên, phụ nữ sơ chế thành những sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp như lạc rang tỏi ớt, ngũ cốc… để đưa đi giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng do hội phụ nữ các cấp tổ chức. Để các nông sản đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn, quá trình sản xuất chúng tôi luôn áp dụng theo phương thức canh tác tự nhiên, bón phân hữu cơ thay cho phân hóa học, đặc biệt là hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…Đây cũng là lí do mà sản phẩm của chúng tôi luôn được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi”.

Theo đuổi đam mê sản xuất ra những sản phẩm nông sản sạch, vấn đề VSATTP trong quá trình sản xuất luôn được chị Phan Thu Giang, chủ cơ sở sản xuất Liên Giang đặt lên hàng đầu. Chị Giang cho biết: “Với 12 sản phẩm được chế biến từ nông sản, để có nguồn nguyên liệu đảm bảo, tôi đã tự tay lựa chọn nguyên liệu, giám sát khâu sản xuất. Bên cạnh đó, để có nguồn nguyên liệu đảm bảo các tiêu chí về VSATTP, tôi đã xây dựng trên 5 ha vùng sản xuất nguyên liệu tại hai huyện Gio Linh và Đakrông. Cơ sở đã có hợp đồng cụ thể với người dân tại vùng sản xuất, cam kết tiêu thụ sản phẩm nông sản nếu tuân thủ theo quy trình của cơ sở đưa ra. Nhờ vậy, nguồn sản phẩm đầu vào của cơ sở sản xuất luôn đảm bảo VSATTP, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng”. Thông qua các ngành liên quan và hội phụ nữ các cấp, thời gian qua, sản phẩm của cơ sở chị Giang đã được lựa chọn tham gia giới thiệu tại các hội chợ thương mại, các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp… được tổ chức trong tỉnh và nhiều địa phương trên cả nước. Đến nay, cơ sở đã có trên 10 đại lí phân phối tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Gia Lai…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ vận động hội viên, phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, thời gian qua hội phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về thực hiện VSATTP. Công tác hỗ trợ xây dựng các mô hình cũng được quan tâm thực hiện. Hội LHPN tỉnh đã tư vấn hỗ trợ, nâng cấp xây dựng 4 mô hình HTX kinh doanh, sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và xây dựng 2 mô hình sản xuất an toàn tham gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh. Cùng với đó, các cấp hội đã xây dựng được 95 mô hình về sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn với 927 thành viên tham gia. Vận động chuyển đổi trên 10 ha diện tích đất rừng kém hiệu quả sang trồng dứa có phủ bạt nilon nhằm hạn chế sâu bệnh và tưới nước; chuyển 4 ha diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu…

Bên cạnh đó, hội cũng chủ động xây dựng các dự án và huy động nguồn lực hỗ trợ đầu tư các mô hình trồng dưa hấu phủ bạt nilon tại xã Mò Ó (Đakrông); hỗ trợ 220 hộ gia đình trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông xây dựng mô hình “Vườn rau dinh dưỡng” với diện tích 50m2 /vườn. Hội LHPN các huyện đã xây dựng và mở rộng 18 mô hình kinh tế có hiệu quả, chất lượng, đảm bảo an toàn trong sản xuất như các mô hình: Trồng cây dong riềng tại xã Hải Thái và các xã miền Tây huyện Gio Linh; trồng nấm tại thôn An Lộng, xã Triệu Hòa (Triệu Phong); sản xuất lúa an toàn tại phường Đông Lương và Đông Lễ (thành phố Đông Hà)…

Song song với các hoạt động trên, hội phụ nữ các cấp còn đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác, mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm an toàn của hội viên, phụ nữ gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hội LHPN tỉnh tổ chức 3 hội nghị kết nối cung- cầu tiêu thụ sản phẩm từ các mô hình do phụ nữ sản xuất với các chủ đề như: VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng; kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm của các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế… Xây dựng và đưa vào hoạt động 3 gian hàng trưng bày, giới thiệu thực phẩm sạch của các mô hình HTX, tổ hợp tác và mô hình kinh tế giỏi của hội viên phụ nữ. Phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức 32 khóa tập huấn về nâng cao kĩ năng kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm… cho các thành viên của ban quản lí tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nữ, hộ sản xuất kinh doanh, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp và các hội viên, phụ nữ. Ngoài ra, hội còn hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, tư vấn xây dựng thương hiệu sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn cho 443 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…

Để nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, trong thời gian tới, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, truyền thông về ATTP cho cán bộ hội cơ sở, hộ phụ nữ sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó, hội cũng sẽ xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn”. Rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình “Phụ nữ tiểu thương văn minh, lịch sự, nói không với thực phẩm bẩn”. Đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản sạch do hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh dưới các hình thức phù hợp.

Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn của các mô hình do hội phụ nữ thực hiện. Duy trì và xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch an toàn có hiệu quả; duy trì sinh hoạt các mô hình ATTP hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về ATTP tại cơ sở.

http://www.baoquangtri.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video