Quảng Trị: “Tổ hợp tác trồng rau an toàn”- mô hình kết nối, hỗ trợ phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh

07/03/2018
Nhận thấy bà con sản xuất rau màu còn nhỏ lẻ, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng đến môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng, để hỗ trợ hội viên, phụ nữ sản xuất rau sạch, kết nối, tạo cơ hội cho chị em tiếp cận các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Tổ hợp tác trồng rau an toàn” kết nối hỗ trợ phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh.

Được thành lập ở phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, Tổ hợp tác trồng rau an toàn gồm 20 thành viên tham gia. Các thành viên được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật bón phân trong sản xuất rau, phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, tạo môi trường an toàn, cách ly mầm bệnh, cải tạo đất, giúp chị em xóa dần tập quán sản xuất truyền thống lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan gây ô nhiễm môi trường sống. Qua tập huấn và các buổi tuyên truyền, các thành viên tổ hợp tác đã từng bước đẩy mạnh sản xuất rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm rau sạch có chất lượng đáp ứng nhu cầu đô thị và thị trường, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng bền vững, nâng cao giá trị thu nhập bình quân, ước lợi nhuận đạt 120 - 150 triệu đồng/ha.

 Để hỗ trợ tổ hợp tác, Hội LHPN tỉnh và thành phố Đông Hà đã tập trung tuyên truyền rộng rãi, trực tiếp đến cán bộ, hội viên, phụ nữ về mục đích, ý nghĩa của mô hình; đồng thời kết nối nguồn lực hỗ trợvốn vay, kỹ thuật, quảng bá, kết nối tiêu thụ thông qua giới thiệu trên trang web, đài phát thanh truyền hình tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng, trưng bày sản phẩm rau an toàn tại quầy trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm của Hội LHPN tỉnh; làm việc với các nhà hàng, khách sạnđể kết nối cung ứng các sản phẩm rau an toàn của tổ hợp tác.

Các thành viên của tổ cũng đã chủ động, tích cực xây dựng hệ thống sản xuất, tiêu thụ giữa tổ hợp tác, các chợ kinh doanh rau trong và ngoài thành phố, cung cấp và nắm bắt kịp thời các thông tin về giá cả thị trường cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Chị em tham gia mô hình thường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi nhau kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau. Hàng quý, tổ họp để thông báo tình hình sản xuất rau trong thời gian qua, hướng trồng rau trong thời gian tới, rồi cùng bàn bạc, thảo luận tìm các loại giống rau thích hợp với thời tiết, mùa vụ. Từ khi tham gia vào tổ hợp tác, đa số các thành viên đều nhận thấy hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại

Chị Nguyễn Thị Hải, thành viên mô hình trồng 4 sào rau theo quy trình trồng rau an toàn, thị trường đầu ra đảm bảo, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 200 đến 300 ngàn đồng. ChịHải chia sẻ: “Từ khi tham gia tổ hợp tác, tôi đã hạn chế hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất rau đúng quy trình an toàn do đó lượng rau bán ra thị trường nhanh hơn, giá cả cao hơn, cung cấp thực phẩm sạch đảm bảo an toàn cho gia đình và người tiêu dùng”.

Được biết, Hội LHPN tỉnh cũng đã xây dựng Đề án gửi “Chương trình hạnh phúc” để hỗ trợ vốn vay cho thành viên tham gia tổ hợp tác và được phê duyệt với tổng kinh phí trên 657 triệu đồng hỗ trợ các thành viên vay từ 30 - 70 triệu đồng/hộđể đầu tư vào sản xuất.

Trong thời gian tới, các thành viên tổ hợp tác tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các công trình xây dựng nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn. Hội sẽ đồng hành, trưng bày, giới thiệu sản phẩm rau an toàn của tổ đến với người dân. Từ mô hình này, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo 100 % Hội LHPN các huyện, thị, thành phố đầu tư xây dựng, nhân rộng trên địa bàn.  

Phương Thiện

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video